Thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh "hồi sinh" nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
VOV.VN - Từng là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, nhưng vài năm gần đây, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vắng lặng bởi tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, hàng ngàn hộ dân điêu đứng, phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh.
Sau tổn thất nặng nề về cây hồ tiêu, chính quyền địa phương và những người nông dân nơi đây đang từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương...
Dẫn chúng tôi thăm vườn cây sum suê trái, anh Trần Bá Thanh, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết, khu vườn này trước đây có 3.000 trụ hồ tiêu. Ở thời điểm được mùa, được giá, một năm gia đình anh thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Khi tiêu chết hàng loạt vì dịch bệnh, anh chuyển toàn bộ diện tích đất trồng tiêu sang trồng các loại cây ăn trái. Theo anh Thanh, dù thu nhập từ mô hình đa cây không cao như trước, song mang lại sự ổn định và an toàn
“Từ ngày tiêu ở đây dịch bệnh chết đi thì gia đình lại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nói chung thì bây giờ gia đình có khoảng 8 loại cây ăn trái. Tổng thu nhập trong một tháng tầm mười mấy triệu đồng” - anh Thanh nói.
Sau thất bại từ cây hồ tiêu, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Chư Pưh đã không ngừng tìm tòi các mô hình mới, có cả cây nông nghiệp ngắn và dài ngày, các vật nuôi đa dạng như trùn quế, bò thịt, dê. Là một trong những người tiên phong ở xã Ia Blứ thực hiện nuôi dê lấy thịt, anh Lê Rừng Núi thử nghiệm mô hình nuôi dê không tốn quá nhiều công sức, thức ăn cũng dễ tìm, nguy cơ dịch bệnh cũng thấp hơn so với những vật nuôi khác. Hiện việc nuôi dê giúp gia đình anh Lê Rừng Núi thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
“Bây giờ đi làm thuê hoặc trồng cây thì không cao như nuôi con dê. Một trăm con dê, theo giá thị trường hiện tại thì một lứa xuất bán có thể lãi 100 triệu đồng” - anh Núi chia sẻ.
Xã Ia Blứ là địa phương của huyện Chư Pưh bị thiệt hại nặng từ cây hồ tiêu khi có hơn 1.000 ha tiêu chết. Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để từng bước vực dậy nền kinh tế, địa phương đã phải tìm kiếm nhiều nguồn hỗ trợ từ huyện đến các doanh nghiệp để tìm hướng đi mới. Tư duy nông nghiệp của người dân đã có sự thay đổi, bà con chủ động hơn về cây trồng vật nuôi, ít chạy theo phong trào để tránh rủi ro.
Người dân cũng liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Hiện xã Ia Blứ đã có 2 sản phẩm Ocoop cấp tỉnh; Nhiều mô hình cây ăn trái và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả cao.
“Năm 2020 xã được UBND huyện chọn làm xã điểm về phát triển kinh tế thì cũng đã phê duyệt được 4 mô hình đó là cây sầu riêng, cây mít thái, dâu tằm tơ và mô hình chăn nuôi dê. Tính đến thời điểm hiện tại thì cơ bản tất cả bà con đều tham gia các mô hình. Tới đây UBND xã cũng đồng loạt vào cuộc để vận động tuyên truyền tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm, một số cây ăn quả, vật nuôi trên địa bàn xã để giúp người dân ổn định đảm bảo phát triển kinh tế” - ông Vang nói.
Theo thống kê, tại huyện Chư Pưh có hơn 1.700 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh. Đến nay, đã có trên 1.500 ha cây ăn trái được chuyển đổi từ diện tích tiêu này.
Ông Nguyễn Long Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, các loại cây ăn trái chủ lực của huyện đều có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Huyện đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng nhằm đưa nông sản lên sàn giao dịch Đà Nẵng và tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung. Cùng với cây trồng, trên địa bàn đã có 6 dự án chăn nuôi công nghệ cao được cấp phép đầu tư.
“Hiện nay huyện đang điều tra đánh giá lại chất lượng đất đai xây dựng bản đồ thổ nhưỡng theo mức độ phù hợp từng loại cây trồng, sẽ định hướng cho người dân sản xuất lại theo từng vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện cây trồng. Vấn đề tiếp theo là tăng cường công tác xúc tiến thương mại để kết nối các siêu thị, các công ty tiêu thụ nông sản để họ xác định nhu cầu chủng loại hàng hóa, trên cơ sở đó huyện xác định lại nguồn cung ứng nông sản và tổ chức lại sản xuất theo hướng nhu cầu thị trường tiêu thụ mà các đơn vị có thể đặt hàng sản xuất” - ông Khánh nói.
Với cách làm khoa học, chính quyền và nhân dân Chư Pưh đang vực dậy kinh tế trên vùng đất từng được coi là thủ phủ cây hồ tiêu ở Tây Nguyên, từng bước xây dựng chuỗi phát triển nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân./.