“Thủ phủ” khoai lang miền Tây quay lưng với cây khoai
VOV.VN - Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất trong khu vực ĐBSCL. Thời kỳ hoàng kim, nông dân thu về lợi nhuận 100 triệu đồng/hecta. Tuy nhiên kể từ năm 2020, diện tích khoai bị thu hẹp dần và thay vào đó là các loại cây trồng có múi.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, đường xuất khẩu bị “bít cửa” thời gian dài đã khiến cho giá khoai lang tím nhật ở Bình Tân lao dốc không phanh. Trung bình một mùa khoai nông dân lỗ 20 triệu đồng/công đất. Kéo dài 2 năm, người trồng khoai hết vốn tái sản xuất. Đây chính là nguyên nhân khiến nông dân bỏ hẳn cây khoai. Vụ mùa 2022 này, toàn huyện Bình Tân chỉ xuống giống 699 hecta, ít hơn cùng kì đến 6.300 hecta. Hầu hết các diện tích bỏ khoai đã lên bờ trồng mít thái ruột vàng, bưởi, thanh long và lúa.
Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung, ở ấp Thành Lộc, xã Thành Trung đã chuyển hẳn 6 công đất trồng khoai sang trồng lúa được một năm. Ban đầu, chị Nhung dự định trồng lúa 1 –2 mùa sẽ quay lại với cây khoai nhưng đã hơn 2 năm giá khoai không khởi sắc nên gia đình tiếp tục chọn cây lúa làm cây chủ lực.
“Trồng khoai cực quá mà toàn lỗ nên trồng lúa dù lời ít mà chắc. Trồng lúa không lời nhiều hơn khoai nhưng không đến nỗi lỗ như khoai. Trồng 1 công khoai là đổ vô 15-20 triệu vốn mà dở lên chỉ đủ trả tiền công. Giá khoai rất bấp bênh, lỗ 2 vụ là hết vốn”, chị Nguyễn Hồng Nhung bộc bạch.
Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất miền Tây với tổng diện tích khoảng 13.000 hecta, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. 80% tập trung gieo trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, 20% là giống khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Vào vụ, mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu đạt hơn 1 triệu đồng/tạ (1 tạ = 60 ký), từ năm 2017 đến 2019 giá khoai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 - 510.000 đồng/tạ. Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm” trong cơn sụt giá từ 240.000 đồng/tạ, rồi 90.000/tạ và đỉnh điểm năm 2021 là 50.000/tạ.
Hiện tại, toàn huyện chỉ mới có 250 hecta đã thu hoạch, nhưng giá cũng chỉ ở mức 100.000 đồng/tạ. Một trong những yếu tố khách quan hiện nay khiến giá khoai lao dốc thời gian dài là do dịch bệnh Covid 19. Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ 80% khoai lang tươi của Bình Tân, kế đến là Nhật Bản, Malaysia, Indonesia… Nhưng hiện nay đường xuất khẩu này không khả quan.
“Trước năm 2020 về trước rất nhiều vựa và doanh nghiệp đến mua, sản lượng ra bao nhiêu thu mua hết. Nhưng năm nay vựa nghỉ hết. Nhu cầu thì vẫn có, nhưng thông quan không được. Đa số ngày xưa mình đi tiểu ngạch, hàng như vậy là đi được hết. Nhưng từ khi dịch bùng phát thì đường tiểu ngạch bị chặn lại bởi vì bên kia chính sách kiểm soát dịch khác với bên mình nên toàn bộ hàng không thông quan được”, anh Phan Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân cho biết.
Chuyển đổi giống cây trồng là chuyện khó tránh khỏi, nhưng muốn duy trì canh tác cây chủ lực này đòi hỏi phải có phương án tháo gỡ khó khăn, để nông dân có lời và sống được với cây khoai. Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, việc nông dân bỏ khoai lang để trồng các loại cây ăn trái khác như hiện nay không phải là giải pháp.
“Mình cũng có định hướng vận động nông dân giữ đất, giữ nghề truyền thống để đảm bảo có nguồn nguyên liệu khoai lang. Có nguồn nguyên liệu khoai lang mới xuất khẩu và được cấp mã số vùng trồng mới đảm bảo diện tích. Chứ bây giờ mình không có diện tích, thì đâu cấp mã số vùng trồng được. Mà không cấp mã số vùng trồng thì đây là một trong những điều kiện xuất khẩu thì không được. Do đó, bà con mình phải giữ diện tích”, ông Nguyễn Văn Tập cho biết thêm.
Nông dân Vĩnh Long đang quay lưng với với nghề trồng khoai lang vốn là nghề mà nông dân đã từng gắn bó từ nhiều năm qua. Điều này đã và đang làm cho địa phương và ngành chức năng lo ngại diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ xáo trộn và phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới./.