"Thủ phủ" sen Đồng Tháp đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu quy hoạch
VOV.VN - Vài năm trở lại đây, diện tích trồng sen của Đồng Tháp giảm mạnh khi người dân đã không mặn mà và quay lưng với cây trồng đã từng giúp họ thoát nghèo thời gian trước.
Sen là một trong những biểu tượng đặc trưng của vùng đất Đồng Tháp - nơi được mọi người biết đến với những cánh đồng sen bạt ngàn. Trong những năm qua, địa phương đã xây dựng, khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Đã có hơn 20 sản phẩm được chế biến từ sen như sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống cũng nhờ cây sen. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây diện tích trồng sen của Đồng Tháp giảm mạnh, người dân đã không mặn mà, đành quay lưng với cây trồng đã giúp họ thoát nghèo trong và ổn định kinh tế thời gian qua.
Cây sen là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp và được cấp nhãn hiệu chứng nhận sen Tháp Mười từ năm 2016. Nhiều sản phẩm từ sen đã vươn đến các nước trên thế giới và mang về giá trị kinh tế cao cho người dân.
Tuy nhiên, thống kê của ngành chuyên môn huyện Tháp Mười, năm 2020, diện tích sen của địa phương còn khoảng 700 ha đã giảm hơn 1/2 so với các năm trước. Nguyên nhân do giá sen không ổn định và tình trạng sen bị bệnh thối ngó đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích trồng sen của huyện Tháp Mười trong thời gian qua. Trước thực trạng chưa có lời giải, nhiều hộ dân đành chuyển sang trồng lúa vì kế mưu sinh.
Nông dân từ bỏ cây sen để chuyển sang trồng lúa
Mấy chục năm tâm huyết với cây sen, cây trồng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Tuy nhiên, vài năm gần đây gia đình ông Nguyễn Văn Bảnh, ngụ ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cứ trồng đến khi sen ra hoa thì chết. Điển hình là hai vụ vừa qua, hơn 1 ha trồng sen bao nhiêu công sức, tiền bạc bỏ ra đến ngày gần thu hoạch thì sen chết. Thu nhập không có, gia đình ông Bảnh đành quay lại trồng lúa. Biết rằng cây sen giá trị kinh tế cao, đây cũng là vùng đất trũng và cũng là thủ phủ của sen Đồng Tháp nhưng không còn cách nào khác.
“Hai vụ trồng sen liên tục nhưng không cho thu nhập, sen cứ có bông rồi hư, tự nhiên lụi rồi chết. Là vùng đất trồng sen bao nhiêu năm mà nay có hiện tượng này rất lạ, người dân rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng. Nếu không khôi phục được nghề trồng sen ở đây, người dân cũng không biết làm gì”, ông Bảnh bày tỏ.
Gắn bó với nghề trồng sen gần 10 năm nay, ông Nguyễn Duy Bằng, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười chia sẻ, khoảng 3 năm trở lại đây cây sen bị bệnh, nhiều hộ dân thua lỗ nên đã chuyển sang trồng lúa. Tâm quyết với cây sen ông Bằng đã cố gắng duy trì trồng xen canh và nuôi cá nhưng vẫn không trụ được đành phải chuyển sang trồng lúa.
“Các nhà khoa học, kỹ sư cần xuống hiện trường để tìm hiểu và khuyến cáo với bà con và đưa nguồn giống, gieo trồng đúng theo quy trình để khắc phục tình trạng này. Hiện nông dân không có biện pháp nào vẫn đi theo kỹ thuật theo nguyên tắc của nhà khoa học nhưng sen vẫn chết”, ông Bằng mong muốn.
Áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng sen
Trước những khó khăn của người trồng sen, ngành Nông nghiệp huyện Tháp Mười đã phối hợp để nghiên cứu cách phòng trị bệnh trên cây sen nhưng không có hiệu quả. Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười cho biết, địa phương đang thực hiện mô hình trồng để rút kinh nghiệm và từng bước xây dựng quy trình trồng phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, vận động các hộ trồng sen và các điểm du lịch thành lập hội quán để có ngôi nhà chung cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng, kinh nghiệm làm du lịch.
“Người dân nên trồng sen theo hướng luân canh, chọn giống tốt và sạch, cải tạo đất, quản lý nước, thường xuyên thăm đồng để có hướng điều trị kịp thời, làm mô hình thí điểm trồng sen, trồng theo truyền thống và trồng theo áp dụng khoa học kỹ thuật để so sánh cũng như đối chứng để nhân rộng ra cho người dân trồng”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sen Đại Việt, tỉnh Bình Dương cho biết, công ty có chi nhánh tại Đồng Tháp để thu mua sản phẩm cho người dân. Hiện tại, nhu cầu thị trường về sen rất lớn, đây là cơ hội tốt để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng ở các nước.
Thời gian qua, sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa thực sự bền vững, vẫn còn tình trạng đã ký hợp đồng bao tiêu nhưng khi giá cao người dân lại bán cho đối tác khác. Đây là vấn đề khó đối với doanh nghiệp khi đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Ông Thắng cũng chia sẻ, trong phát triển của ngành hàng sen sẽ đặt ra những yêu cầu khắt về chất lượng, vì vậy người dân cần trồng sen thật tốt và bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động để có vùng nguyên liệu tốt, đảm bảo được các đơn đặt hàng của đối tác.
Cần xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu
Để nâng cao giá trị sen Đồng Tháp, đã có nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cây sen như sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều sản phẩm được làm từ sen. Ông Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Khánh Thu, ở huyện Tháp Mười chuyên sản xuất các sản phẩm từ sen cho biết, để đa dạng hóa sản phẩm từ sen, phía công ty đang sản xuất thêm dòng sữa sen đóng lon, qua đó nâng cao giá trị từ cây sen.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số thị trường yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng rất khắt khe, đã có một số đối tác sang tận vùng trồng để lấy mẫu đất, nước và lá sen để phân tích, qua phân tích hàm lượng kiềm trong đất, nước và lá sen đều vượt ngưỡng cho phép. Theo ông Huy, để đảm bảo được chất lượng và nguồn cung, doanh nghiệp cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, khi đó mới đáp ứng được các tiêu chuẩn và hợp đồng cho các đối tác.
Để cây sen thực sự phát triển bền vững, giúp người dân ổ định cuộc sống, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen với diện tích khoảng 300ha với nhiều phân khu như phục vụ du lịch, cung cấp nguồn nguyên liệu sen, xây dựng làng nghề rút sợi tơ sen. Bên cạnh đó, địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp và khuyến khích các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ sen để làm dược liệu, thực phẩm đến các loại mỹ phẩm.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài giá trị kinh tế về xuất khẩu của ngành hàng sen thì cần gắn hình ảnh cây sen đến với khách du lịch, đây là một trong những giá trị còn nhiều tiềm năng của vùng đất Sen hồng Đồng Tháp trong thời gian tới.
“Trước đây có vài loại sen người dân trồng truyền thống nhưng không phù hợp với những sản phẩm đầu ra. Người dân không xác định được trồng sen lấy củ, lấy bông, lấy ngó là khác nhau. Tới đây Sở sẽ rà soát, đánh giá những vùng nào có thể tích hợp với sen hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu để nhân rộng, phát triển vùng sen của tỉnh”, ông Thiện cho biết.
Cây sen gắn với hình ảnh đất sen hồng Đồng Tháp, lợi ích kinh tế từ cây sen mang lại cho người dân cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao giá trị ngành hàng sen Đồng Tháp thì việc liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp là vấn đề then chốt để nâng cao thương hiệu, uy tín các sản phẩm từ sen.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ về giống, chuyên môn, trang thiết bị để xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu, khi đó ngành sen mới thực sự mang lại giá trị để phát triển một cách bền vững./.