Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói về căn cứ tăng thuế môi trường với xăng dầu
VOV.VN -Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc tăng thuế đối với xăng là căn cứ vào chiến lược thuế, chiến lược tăng trưởng xanh và Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh (để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường, thì đây cũng là việc góp phần vào đó). Đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Các căn cứ này được Thứ trưởng Mai giải thích tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 2/4 khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu liệu đã tính đến kịch bản về sự tác động đến lạm phát, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và có biện pháp nào để giảm thiểu tác động tiêu cực sau khi tăng thuế.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai giải thích thêm: Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình thì sẽ trình Chính phủ Nghị quyết trong tháng 4 này.
Trong các phương án về thuế bảo vệ môi trường thì cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít. Đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên. Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Và trong quá trình chúng ta hội nhập, cắt giảm nhập khẩu theo các hiệp định thuế quan. Đồng thời Nghị quyết 25 của Quốc hội cũng đã nêu rõ những định hướng trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.
Bà Mai cũng cho hay, đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu cũng căn cứ vào tình hình thực tiễn kinh tế xã hội từng thời kỳ và căn cứ sự phát triển và ô nhiễm môi trường để xem xét điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường. Nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật. Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019. Trước mắt điều chỉnh mức thuế trong khung thuế bảo vệ môi trường mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.
Đối với thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, Bộ Tài chính cũng có những phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Bà Mai cũng nêu: Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, chỉ tiêu tốc độ về tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%, như vậy tác động khi tăng Thuế bảo vệ môi trường cũng đã được phân tích, việc tăng thuế này sẽ thực hiện được mục tiêu sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diezel D5, D10, túi nylon thân thiện với môi trường… Từ đó, giảm phát thải ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường./.
Đa số bộ, ngành ủng hộ đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu?
Chuyên gia khuyến nghị không nên tăng thuế với xăng dầu hiện nay
Thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu được sử dụng thế nào?
Tăng thuế với xăng dầu: Cần cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế