Thủ tướng chưa quyết dự án thép Cà Ná
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chưa quyết về dự án thép Cà Ná vì chưa có căn cứ và cơ sở.
Theo quy định hiện nay thẩm quyền đưa dự án vào quy hoạch khi cân đối cung cầu là của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết với những nhà đầu tư có dự án với quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng thì phải có ý kiến của Thủ tướng.
Mô hình khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná (Ảnh: PLO) |
Trong cuộc họp ngày 8/3 với Thủ tướng Chính phủ về dự án thép Cà Ná, ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết Bộ Công thương chưa báo cáo cụ thể về các nhà đầu tư sẽ đăng ký tham gia dự án, cũng như mời nhà tư vấn nước ngoài đánh giá về dự thảo Quy hoạch ngành thép.
"Mới chỉ có báo cáo tổng hợp của tỉnh và nhà đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá quan điểm, kết quả, cũng như chưa có nhà đầu tư cụ thể nào muốn tham gia. Mới nghe báo cáo chung, nên không đủ căn cứ để cho ý kiến là nên hay không nên, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục làm thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng và công khai về dự án này," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Theo người phát ngôn Chính phủ, quan điểm của Thủ tướng khi kết luận đối với dự án thép Cà Ná là phải có căn cứ trên cơ sở các báo cáo đánh giá được làm chặt chẽ, thận trọng. Khẳng định yêu cầu phát triển của địa phương và của ngành là đúng đắn, nhưng với mục tiêu là phát triển bền vững, hiệu quả, không để xảy ra những hệ lụy không lường trước được, hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư.
Theo đó, Thủ tướng đang yêu cầu các bộ ngành liên quan, phối hợp với tỉnh Ninh Thuận, xác định đầy đủ các yếu tố. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá kỹ về quy hoạch, tính khả thi, hiệu quả dự án thép cà Ná; yêu cầu Bộ Khoa học công nghệ báo cáo về vấn đề công nghệ vận hành dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá về tác động môi trường…
Người phát ngôn Chính phủ cũng nhấn mạnh thêm một số vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải làm rõ. Cụ thể: các yếu tố cơ cấu sản phẩm có phù hợp với cung cầu thị trường hay không? Sản phẩm đưa ra thị trường có cạnh tranh được với Trung Quốc hay không? Nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào ở đâu?
Ngoài ra là các yếu tố khác rất quan trọng như nguồn vốn đầu tư, công nghệ, xử lý vấn đề thải, khí, nước, môi trường…
Trước đó, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng.
Trong dự thảo quy hoạch ngành thép Bộ Công Thương đã đưa dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) vào quy hoạch. Bộ Công Thương khẳng định để đảm bảo tính minh bạch, khách quan đối với dự thảo Quy hoạch thép, Bộ đã mời tư vấn để thẩm định, đánh giá quy hoạch thép.
Được biết, hiện nay đã có hai đơn vị tư vấn nước ngoài quan tâm đến việc quy hoạch ngành thép. Cụ thể, hai nhà thầu tư vấn nước ngoài nói trên là Dloite (Nhật Bản) và Roland Berger (Đức)…/. 2 đơn vị tư vấn ngoại cùng quan tâm quy hoạch sản xuất thép