Thua lỗ 1 tỷ đồng/ngày, doanh nhân Phan Thị Ngọc Hà than “người tính không bằng trời tính”
VOV.VN - Doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà chia sẻ, giá gà giảm xuống còn 8.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp này thua lỗ mỗi ngày 1 tỷ đồng.
Không giấu được cảm xúc khi chia sẻ với các nhà quản lý và đồng nghiệp tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi – thuỷ sản, doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Vào thời điểm này, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50% thôi. Đến hôm nay, hợp đồng với dân chăn nuôi, các nhà cung cấp đầu tư cám, giống giá là 25.000-26.000 đồng/kg nhưng giá gà chỉ còn 8.000 đồng/kg. Hiện DN có 50.000 con gà, giá vốn là 50.000 đồng, chi phí giết mổ 10.000 đồng nữa là 60.000 đồng, nhưng San Hà phải đi bán với giá 40.000 đồng/con gà. Bán để chạy chuồng, không bị quá ngày. Mỗi ngày San Hà lỗ gần 1 tỷ đồng.
Các vị ngồi đây cùng làm chăn nuôi, thuỷ sản hay gia cầm chắc cũng sẽ hiểu được lời lẽ của San Hà. Đây thực sự là nỗi khổ tâm, quá đau khổ của San Hà. Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với TP.HCM cam kết cung cấp với số lượng ổn định và giá không bao giờ tăng, luôn bình ổn với thị trường. San Hà đã liên kết với nhiều công ty để có giá ổn định cho thành phố nhưng thực ra “mình tính không bằng trời tính” – doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hà xúc động nói.
Theo tính toán của bà Ngọc Hà, San Hà lỗ 1 tỷ/ngày thì các DN khác tính sơ cũng phải lỗ 500 triệu. Doanh nghiệp lỗ 500 triệu mỗi ngày thì sức này sẽ chịu đựng đến bao giờ? Đây là một bối cảnh chung, cả xã hội lâm vào cảnh này thì San Hà cũng cố gắng vượt qua, khi phục hồi được thì chắc chắn xã hội, các ngành không bỏ rơi San Hà.
Trong khi đó, một nỗi niềm khác được doanh nhân này chia sẻ, nhân viên, tài xế của mình cứ 72h lại phải đi test, mỗi lần test 100 người thì loại ra ít nhất 10 người dương tính với SARS Covy 2. Thông tin cứ như bóp lấy tim mình, khi mà người thân của họ dương tính hoặc mất đi, phải cách ly.
Đến lượt mình, ông Lê Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT – Hợp tác xã Long Thành Phát – chăn nuôi gà trắng trong chuỗi xuất khẩu chia sẻ: “Tôi và chị Hà cùng ngành nghề kinh doanh nên quá biết nhau. Thấy chị Hà phát biểu khóc, tôi cũng chảy nước mắt theo. Lúc này khó khăn là khó khăn chung, phải động viên nhau, tin là hết mưa trời lại nắng".
Ông Quyết cho rằng: Đợt dịch lần thứ 4 này khiến doanh nghiệp khốn khổ nhất. Năm 2020 giá gà xuống 8.000 trong mấy ngày rồi lên lại, nay xuống 6.000 đồng/kg. Nếu xuống 2.000 đồng/kg thì con gà không ra khỏi chuồng được. Đáng lẽ lúc này phải thương nhau hơn, tạo điều kiện hơn, nhưng đúng là chúng ta lại đang làm khổ nhau. Ông dẫn chứng, khi Chính phủ, bộ, ngành có chỉ đạo sát sao, văn bản có dấu đỏ, hoả tốc nhưng ở trên muốn gỡ ở dưới lại cứ gây khó khăn, chốt giữa tỉnh – tỉnh, huyện – huyện, xã -xã. Những người đứng ở chốt nhiều khi chả hiểu gì cả, thậm chí chở cám bằng xe bồn chuyên dụng mà bắt sang xe thì không biết sang làm sao; rồi gà con đưa từ nhà máy ấp về trang trại thì lại bảo là hàng không thiết yếu nên bắt quay đầu trở lại. Thậm chí, khi từ TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu bắt gà, xe đang trên đường xuống thì tổ công tác nói là trên xe không có hàng hoá nên không được qua. Tôi đang đi bắt gà thì lấy đâu ra hàng? Nhiều cái rất vô lý. Đề nghị Tổ công tác phối hợp với các bộ, ngành để có một giải pháp triệt để. Ngay sáng nay (31/7), xe chở thuốc thú y đi liên tỉnh, liên huyện được nhưng đến xã thì chặn lại.
Về khó khăn của các doanh nghiệp chăn nuôi, thuỷ sản, ông Quyết cho biết: Gà, cá… nuôi trong chuồng hay dưới ao thì được thời gian ngắn. Chúng tôi chỉ nuôi được 19 ngày phải cắt kháng sinh, khi đó sức đề kháng của vật nuôi yếu, nhất là trong điều kiện thời tiết phía Nam như thế này. Chính vì vậy, khâu giết mổ quan trọng. Lẽ ra những người tham gia giết mổ, vận tải phải được tiêm vaccine trước. Vừa rồi TP.HCM, Đồng Nai có một số lò mổ phải dừng lại gây ách tắc cả chuỗi. Gà không thể để trong chuồng mãi, giống như cá tra không thể để dưới ao mà phải giết mổ để đưa vào kho lạnh trữ. Gà lứa này phải ra khỏi chuồng thì lứa tới mới có gà. Bây giờ gà cứ nằm trong chuồng mãi thì lứa tới sẽ bị đứt gãy nguồn cung.
“Các chiến sĩ tuyến đầu quan trọng nhưng chúng ta là hậu phương, sản xuất hàng hoá, thực phẩm cũng rất quan trọng. Chúng tôi kiến nghị với bên Y tế xem xét có giải pháp để các nhà máy giết mổ bị phong toả được trở lại hoạt động sớm hơn các đơn vị khác được không?” – ông Quyết kiến nghị.
Vẫn nóng câu chuyện vận chuyển hàng hoá
Tổ công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng cho rằng, gà ở miền Đông ùn ứ cũng có nguyên nhân các cơ sở giết mổ không hoạt động được. Thịt gà là sản phẩm đặc thù, không thể mang con gà đi TP.HCM được mà phải thông qua cơ sở giết mổ. Bấy lâu nay chúng ta cứ lo giải quyết đường vận chuyển nhưng lại tắc ở các cơ sở giết mổ. Thường các cơ sở này đều qui mô nhỏ, khi xảy ra dịch bệnh thì gần như không có người thay thế. Tuy nhiên cũng có vướng mắc nữa là ở khâu lưu thông, đường tỉnh, huyện đi “ngon” nhưng xuống đến ấp, xã thì anh em vận chuyển lại gặp khó khăn.
Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp San Hà, TS. Nguyễn Thanh Sơn Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết: DN San Hà là một trong những DN lớn, làm chuỗi khép kín từ chăn nuôi, chế biến, giết mổ đến hệ thống tiêu thụ khắp các tỉnh, đặc biệt là TP.HCM. Họ cũng là DN tham gia bình ổn giá lương thực, thực phẩm những năm qua. Tuy nhiên, câu chuyện chị Hà nêu thì DN gặp khó khăn trong tiêu thụ. Giá tụt không phải do quan hệ cung – cầu mà ách tắc do vận chuyển; giết mổ. Vì vậy phải sớm tháo gỡ. Nếu với tình trạng như thế này mà không được cải thiện thì nhiều DN chế biến, giết mổ, con giống sẽ ra đi, chắc chắn sẽ phá sản.
Phải tháo gỡ ngay khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là gà hiện đang ứ đọng rất lớn, ước tính ở các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ khoảng 70-80 triệu con gà đến kỳ xuất chuồng mà chưa thể tiêu thụ được./.