Thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Việt Nam và EU
VOV.VN - Việt Nam và EU đang hướng tới phê chuẩn Hiệp định chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp.
Sáng nay (7/1) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng bà Hedi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu đồng chủ trì cuộc hội đàm về việc chuẩn bị phê chuẩn và thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết chính thức vào ngày 19/10/2018.
Hội đàm của Việt Nam - EU về Hiệp định đối tác tự nghiệp về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. |
Việt Nam là nước thứ 2 ký Hiệp định này với Liên minh Châu Âu. Đây là văn kiện thể hiện trách nhiệm và sự hợp tác của 2 bên trong việc đảm bảo nguồn gốc hợp pháp đối với gỗ và sản phẩm gỗ từ khai thác, nhập khẩu, sản xuất, chế biến, thương mại trên thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có cả thị trường Châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu trong thời điểm này là dịp để Việt Nam khẳng định nỗ lực hành động và quyết tâm cao của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong việc thực hiện các cam kết tại Hiệp định đối tác tự nguyện, hướng tới phát triển ngành chế biến, thương mại gỗ sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại hội đàm. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn với vai trò là Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu, bà Hedi Hautala sẽ đóng góp thêm ý kiến để Nghị viện Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định này để có cơ sở pháp lý tiến hành công cụ quan trọng trong phát triển bền vững.
"Song song với quá trình này sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể ở cấp Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để khi bắt tay vào thực thi được đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời trong quá trình triển khai đề nghị phía EU có các chuyên gia hỗ trợ để các chương trình thực hiện sát thực tiễn và hiệu quả", ông Cường nói.
Về phần mình, bà Hedi Hautala cho rằng, đây là bước đi quan trọng của Liên minh Châu Âu trong việc xây dựng chiến lược nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại Châu Á chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Trên cơ sở hệ thống trách nhiệm giải trình cho nhà nhập khẩu, hệ thống này có thể được xem là thành tựu lớn của Hiệp định đối tác tự nguyện.
"Những điều chúng ta thống nhất ở đây là đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ khi vào thị trường EU là phải có nguồn gốc hợp pháp. Việc chúng ta xác định được các quy định chi tiết đặc biệt là liên quan đến quá trình kiểm soát nhập khẩu là rất quan trọng thực hiện vấn đề này", bà Hedi Hautala nhấn mạnh./. Vào CPTPP, ngành gỗ Việt gặp thách thức về thương hiệu, sở hữu trí tuệ