Thực thi EVFTA luôn cần sự chủ động và tích cực
VOV.VN - Các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần nắm bắt những quy định và quyền lợi của mình khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào cuối tháng 5 này. Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 2, sau khi Việt Nam và EU thông báo cho nhau về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn hoặc vào một thời điểm mà hai bên thống nhất. Vì vậy, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới.
Những thách thức lớn cho doanh nghiệp
Trong các báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA, ngoài các lợi thế mở cửa thị trường, thuế quan… thì một thách thức luôn được đề cập đến là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước, do dòng hàng chất lượng cao từ châu Âu được mở rộng cửa vào thị trường Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chỉ rõ: Thị trường EU có yêu cầu rất cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Chính vì thế, khi EVFTA được thực thi, Việt Nam cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm mà được quốc tế thừa nhận cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế tại thị trường EU. |
Và mặc dù thị trường EU cùng một khối nên các quy định về hàng rào kỹ thuật an toàn thực phẩm cơ bản là giống như nhau. Tuy nhiên, điều kiện về kĩ thuật cũng như chất lượng an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu tối thiểu và bắt buộc được phía EU đặt ra. Chính vì thế, đối với các DN Việt, đây là một trong những rào cản khá lớn.
Khuyến nghị với các DN Việt Nam khi tham gia Hiệp định, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, các DN cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để có thể vượt được những tấm “barie” mà phía đối tác đặt ra, hơn thế nữa còn có thể chinh phục được người tiêu dùng châu Âu.
“Đã có những DN Việt Nam rất quen thuộc với thị trường EU và những kinh nghiệm này cần được lan toả ra cho nhiều DN khác để có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ phía EU. Đối với nhà quản lý, chúng ta cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm được quốc tế thừa nhận, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng được cơ hội của Hiệp định”, ông Thái nói.
Trên thực tế thời gian qua, các DN Việt Nam thời gian qua đã có sự chuẩn bị tâm thế để ngay khi Hiệp định này được chính thức thực thi, DN đã có thể nắm bắt và mở rộng cơ hội giao thương với thị trường hơn 500 triệu dân, tận dụng những ưu đãi từ hiệp định này mang lại.
Lưu ý các DN đối với những yêu cầu khắt khe trong việc đưa được hàng hoá và dịch vụ vào thị trường EU, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật, Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng thẳng thắn chỉ rõ: "Các DN cần phải thay đổi lại cách quản lý, đánh giá chất lượng cũng như việc cập nhật hàng rào kỹ thuật cho từng mặt hàng xuất khẩu vào EU. Điều này cũng đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các Hiệp hội, ngành hàng và các cơ quan quản lý nhà nước".
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, EVFTA là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Do đó, để chủ động tham gia EVFTA, các ngành sản xuất trong nước cần tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa.
“Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng các cơ hội mở ra từ các FTA, nhưng điều quan trọng là cần đẩy mạnh cải cách, nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế hơn nữa. Cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp; hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập”, ông Doanh chỉ rõ.
Chỉnh sửa, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện EVFTA
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20/5 về việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ rõ, bên cạnh những tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế và cải cách pháp luật – thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, với những cam kết đã được đàm phán, Hiệp định dự kiến cũng sẽ giúp giảm nghèo nhanh hơn…
Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, Chính phủ cũng đã dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính gồm: Tuyên truyền, phổ biến; Xây dựng pháp luật, thể chế; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở và Chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA. (Ảnh: Moit) |
“Các công việc cụ thể đã được chi tiết cho từng Bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng. Sau khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trên cơ sở các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của cơ quan, địa phương mình nhằm kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
“Để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay./.