Thuế thu nhập cá nhân: “Lương chưa kịp tăng đã phải đóng thuế cao hơn”

VOV.VN - Sau 5 năm, chi phí sinh hoạt đã biến động rất lớn, nhiều nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu, giáo dục, y tế, thực phẩm đều tăng mạnh. Trong khi đó, ngưỡng giảm trừ lại đứng yên. Điều này tạo ra bất cập, khiến cho người làm công ăn lương rơi vào cảnh “lương chưa kịp tăng đã phải đóng thuế cao hơn”.

Không còn dư đồng nào vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân hiện là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này đã và đang bộc lộ sự lạc hậu, không theo kịp mức sống và lạm phát, thậm chí đang “gây áp lực” cho người làm công ăn lương, cần sớm sửa đổi, bổ sung để có chính sách thuế thu nhập cá nhân minh bạch, phù hợp hơn.

Chị Nguyễn Thu Hằng (40 tuổi), ở phường Hoàng Mai, TP. Hà Nội, là nhân viên văn phòng của cơ quan nhà nước, chồng chị làm cho doanh nghiệp tư nhân, tổng thu nhập của gia đình chị khoảng 30 triệu đồng/tháng. Nghe qua thì có vẻ không quá thấp, nhưng chị Hằng cho biết, gia đình chị có lúc vẫn phải “co kéo” chi phí sinh hoạt.

Vợ chồng chị thuê một căn hộ tập thể cũ giá 6 triệu đồng/tháng. Con gái 2 tuổi học mẫu giáo tư thục, học phí gần 6 triệu đồng/tháng. Tiền ăn uống, bỉm sữa cho con, điện nước, đi lại, gửi xe... mỗi tháng tốn thêm khoảng 14 triệu đồng. Hai vợ chồng quyết định đăng ký giảm trừ gia cảnh cho con theo bố.

“Tính sơ sơ chi phí cố định mỗi tháng của gia đình tôi khoảng 26 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền chi tiêu khi ốm đau, hiếu hỉ, bố mẹ hai bên cần hỗ trợ… nên rất khó để có khoản tiết kiệm đều đặn chứ chưa dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chỉ được khoảng gần 50% cho tất cả chi phí dành cho em bé trong một tháng”, chị Hằng than thở.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thanh, nhân viên kỹ thuật tại một công ty tư nhân ở Hà Nội, lương 25 triệu đồng/tháng. Trên giấy tờ, anh Thanh chỉ có 1 người phụ thuộc là con trai đang học lớp 9.

"Vợ tôi làm nghề tự do, thu nhập không đều, con lớn tôi trên 18 tuổi nhưng không đi học đại học, giờ cũng lao động tự do, lương không đủ nên vợ chồng tôi vẫn phải nuôi. Mỗi tháng sau khi trừ mọi chi phí thì nhà tôi gần như không còn dư đồng nào. Tuy nhiên, với mức lương hiện tại thì tôi vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân", anh Thanh chia sẻ.

Thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng kỷ lục

Nhiều người lao động làm công ăn lương đang rơi vào tình trạng tương tự - thu nhập chỉ vừa đủ sống, nhưng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Điều này khiến nhiều người bất ngờ khi nhìn vào con số, chỉ trong nửa đầu năm 2025, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 69,3% dự toán và tăng 24,2% so với cùng kỳ. Dựa vào dự toán ngân sách, số thu hiện nay đã lên 125.000 tỷ đồng (tăng 16.762 tỷ đồng so với tháng 5) – Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay và vượt số thu thuế các năm 2020 trở về trước, cũng như gấp 2,2 lần trong vòng 10 năm trở lại đây. Đồng thời, số thu thuế TNCN chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong số thu nội địa, chiếm gần 11% tổng thu nội địa trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi các chi phí sinh hoạt hàng ngày, chi phí tiêu dùng tăng không ngừng, số thu thuế TNCN tăng mạnh thì mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc vẫn cố định. Sự bất hợp lý này đang gây thiệt thòi lớn cho người dân. Mức giảm trừ hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân.

Mức giảm trừ gia cảnh thực hiện theo Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ tháng 1/2009, đến nay đã trải qua ba lần sửa đổi. Cụ thể năm 2009, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là 4 triệu/tháng, 1,6 triệu với mỗi người phụ thuộc, năm 2013 và 2020 điều chỉnh tăng lên lần lượt là 9 triệu và 11 triệu với mỗi cá nhân và 3,6 triệu và 4,4 triệu với mỗi người phụ thuộc mỗi tháng. Và theo luật hiện hành, mức này sẽ được đề xuất điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20%.

Nếu chậm trễ sửa đổi, chính sách thuế sẽ đi sau thực tế

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thuế TNCN là chính sách thuế có tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân, đặc biệt là nhóm người làm công ăn lương - những người có thu nhập ổn định, minh bạch, không thể “né” thuế. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đang được áp dụng từ năm 2020.

“Sau 5 năm, chi phí sinh hoạt đã biến động rất lớn, nhiều nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu, giáo dục, y tế, thực phẩm đều tăng mạnh. Trong khi đó, ngưỡng giảm trừ lại đứng yên. Điều này rõ ràng tạo ra bất cập, khiến cho người nộp thuế, đặc biệt là người làm công ăn lương rơi vào cảnh “lương chưa kịp tăng đã phải đóng thuế cao hơn”, GS. TS. Hoàng Văn Cường thẳng thắn.

Ông Cường cho rằng, quy định hiện hành chưa phản ánh được khả năng chi trả thực sự của người nộp thuế. Do đó, cần phải điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh, chứ không nên chờ đến tận năm 2026 như lộ trình hiện nay. Nếu chậm trễ, chính sách thuế sẽ đi sau thực tế và gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, cần xem xét cấu trúc biểu thuế lũy tiến hiện nay. Theo ông Cường, biểu thuế quá dày, với 7 bậc và biên độ giữa các bậc rất hẹp khiến thu nhập chỉ tăng nhẹ đã bị đẩy sang bậc thuế cao hơn, gây áp lực không nhỏ.

“Tôi đề xuất thu gọn còn 4–5 bậc và nới rộng khoảng cách giữa các bậc để thể hiện rõ ràng hơn nguyên tắc “người thu nhập cao hơn thì nộp thuế cao hơn”. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các khoản chi thực tế được trừ khi tính thuế, như chi phí học hành, y tế, bảo hiểm, lãi vay mua nhà… Đây là các khoản gắn trực tiếp đến an sinh xã hội và chất lượng sống của người dân, nếu cho phép khấu trừ sẽ vừa giảm gánh nặng thuế, vừa khuyến khích chi tiêu cho giáo dục, y tế – những lĩnh vực Nhà nước cũng đang ưu tiên phát triển”, ông Cường nêu ý kiến.

3cc11bce937e24207d6f.jpg

Chi phí giáo dục, y tế có thể được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân

VOV.VN - Tại dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), ngoài khoản giảm trừ gia cảnh, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung các khoản giảm trừ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế. Đồng thời, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế để phản ánh đúng, kịp thời các thay đổi về mức sống dân cư.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, thuế thu nhập cá nhân hiện đóng góp gần 10% ngân sách Nhà nước, chủ yếu từ người làm công ăn lương, không có hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, 3,6 triệu hộ kinh doanh năm 2024 chỉ đóng góp chưa đến 26.000 tỷ đồng, khoảng 1,5% ngân sách, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng - một loại thuế đánh vào người tiêu dùng chứ không hẳn là thuế thu nhập.

“Điều này cho thấy sự bất hợp lý và thiếu công bằng trong phân bổ nghĩa vụ thuế giữa các nhóm đối tượng. Thuế thu nhập cá nhân cần được điều chỉnh để giảm những gánh nặng bất hợp lý với người làm công ăn lương. Họ cần được xét đến hoàn cảnh cụ thể và chính sách thuế phải khuyến khích họ nỗ lực cống hiến. Đó mới là tinh thần đúng đắn, vừa nhân văn, vừa hiệu quả, cần đặc biệt lưu ý khi sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân sắp tới”, TS. Nguyễn Ngọc Tú nói.

Trong khi chờ sửa đổi toàn diện, ông Tú cho rằng, Bộ Tài chính nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm nay, giúp người dân bớt khó khăn sớm nhất có thể. Đồng thời, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 18-20 triệu đồng/tháng, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt theo chỉ số giá tiêu dùng hoặc lương tối thiểu.

Trả lời báo chí liên quan đến đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi tổng thể, toàn diện các quy định của luật về thu nhập cá nhân hiện hành. Dự kiến sẽ có khoảng từ 30 trong tổng số 35 điều sẽ được sửa đổi, phù hợp với diễn biến của các chỉ số liên quan mức sống của người dân, khắc phục bất cập thời gian vừa qua, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay.

"Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh các quy định liên quan đến các khoản giảm trừ cho mục tiêu, mục đích nhân đạo, từ thiện. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội bổ sung một số khoản giảm trừ đặc biệt để góp phần thực hiện các chủ trương, các định hướng của Đảng trong việc thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực ưu tiên về giáo dục đào tạo, y tế…", ông Trương Bá Tuấn thông tin.

Dự kiến, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân online: Vì sao phải có chứng từ khấu trừ thuế?
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân online: Vì sao phải có chứng từ khấu trừ thuế?

VOV.VN - Nhiều người gặp khó khăn khi tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân, mất thời gian đi lại để xử lý hồ sơ. Đại diện Cục Thuế lưu ý một số việc cần làm để việc được quyết toán thuế được suôn sẻ.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân online: Vì sao phải có chứng từ khấu trừ thuế?

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân online: Vì sao phải có chứng từ khấu trừ thuế?

VOV.VN - Nhiều người gặp khó khăn khi tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân, mất thời gian đi lại để xử lý hồ sơ. Đại diện Cục Thuế lưu ý một số việc cần làm để việc được quyết toán thuế được suôn sẻ.

Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh thế nào để kích thích lao động và công bằng hơn?
Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh thế nào để kích thích lao động và công bằng hơn?

VOV.VN - Mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đang bộc lộ rõ những bất cập trước bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, lương tối thiểu tăng và thu nhập thực tế của người dân biến động mạnh.

Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh thế nào để kích thích lao động và công bằng hơn?

Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh thế nào để kích thích lao động và công bằng hơn?

VOV.VN - Mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay đang bộc lộ rõ những bất cập trước bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, lương tối thiểu tăng và thu nhập thực tế của người dân biến động mạnh.

Từ 1/6, chứng từ khấu trừ thuế TNCN phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc
Từ 1/6, chứng từ khấu trừ thuế TNCN phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc

VOV.VN - Theo quy định mới, từ ngày 1/6, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc.

Từ 1/6, chứng từ khấu trừ thuế TNCN phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc

Từ 1/6, chứng từ khấu trừ thuế TNCN phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc

VOV.VN - Theo quy định mới, từ ngày 1/6, chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải ghi cả khoản đóng bảo hiểm bắt buộc.