Thuế TNCN: Đề nghị tăng giảm trừ lên 4,5 triệu
(VOV) -Nhiều đại biểu đề nghị áp dụng Luật từ 1/1/2013 thay vì 1/7/2013 như Chính phủ đã trình Quốc hội trước đó.
Chiều nay (5/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật thuế TNCN sửa đổi. Nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến nhiều nhất là thời điểm áp dụng luật và mức giảm trừ gia cảnh. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo sửa mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng/tháng và nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Thất thu thuế hiện nay vẫn ở mức cao (ảnh Internet) |
Tăng giảm trừ với người bị bệnh nan y
Tại tổ TP HCM, Đại biểu Nguyễn Văn Minh đề nghị, nâng mức giảm trừ lên 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng thay cho mức 3,6 triệu đồng như Chính phủ đã đề nghị. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị khấu trừ thuế với người bị bệnh nan y, có thể tăng gấp đôi là 7,2 triệu. “Một người nếu bị chạy thận, ung thư máu… thì phải cần một khoản tiền lớn. Công chức, viên chức nếu bị mắc các bệnh nan y có thể miễn luôn tiền thuế” – đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Minh còn đề nghị áp dụng mức giảm trừ mới từ 1/1/2013 để thực sự có tính động viên, bớt áp lực nộp thuế với những người làm công, ăn lương.
Nhìn ở khía cạnh khác, Đại biểu Hoàng Hữu Phước cho rằng, dù mức giảm trừ gia cảnh là 3,6 hay 4,5 triệu thì mỗi khi tăng lương cho người lao động hoặc giảm trừ… thì dường như lúc nào chúng ta cũng chạy theo sự tăng giá thị trường. Dù được tạo nhiều thuận lợi hơn nhưng người lao động cũng vẫn vất vả chạy theo chi tiêu hàng ngày. Vì thế, Nhà nước cần thiết có chính sách vĩ mô để không làm giảm tác dụng những nỗ lực nhằm gia tăng thu nhập cho người lao động.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với việc cần tăng mức giảm trừ hoặc miễn thuế đối với những trường hợp bị bệnh nan y: “DN thua lỗ thì được chuyển lỗ. Đối với thuế TNCN cũng có những đột xuất nên nếu người nộp thuế có chứng từ thì nộp đơn để xem xét. Luật không thể dự liệu được tất cả nhưng những phát sinh luôn có và cần thiết”.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng chủ yếu dành cho người thu nhập thấp. Sống ở TP HCM mỗi tháng thu nhập 20-30 triệu cũng không phải là quá cao. Khi có biến động cuộc sống và nhu cầu các con đi học cũng vô cùng. “Mức điều tiết này giúp đối tượng thu nhập thấp, trung bình nên có thêm một số trường hợp được cứu xét, giông như DN được chuyển lỗ” – đại biểu Nghĩa nói.
Tăng quản lý để tránh thất thu thuế
Đại biểu cũng đưa ra băn khoăn của mình về kẽ hở hiện nay là không quản hết thu nhập của nhiều người (ví dụ ca sĩ). “Thuế ở đây là thu nhập chứ không phải lương, vì không quản được thu nhập nên thất thu thuế. Công chức thu nhập 5-7 triệu/tháng mà có nhà lầu, xe hơi. Có những khoản thu nhập không quản được nên rất bất công. “Trong khi đó, với công nhân thì đầu lương quản lý chặt nên không thể thoát đi đâu được. Bên cạnh đó, tôi được biết, có những tiêu cực trong ngành thuế. Đó là sự thỏa thuận giữa người quản lý thuế và người nộp thuế. Người nộp thuế thỏa thuận với người quản lý thuế khai bớt đi phần thu nhập của mình và chia khoản chênh lệch đó cho người quản lý thuế… Chính vì vậy, tôi kiến nghị, cùng với việc chỉnh sửa Luật phải có biện pháp tăng cường quản lý việc thất thu về thu nhập” – đại biểu Nghĩa nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, tiến bộ của lần sửa đổi này là sẽ điều chỉnh mức giảm trừ theo biến động của CPI ở mức 20%. Đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng: “Có sự thay đổi lớn từ dự thảo đến lúc trình Quốc hội. 4 điểm tiến bộ có thể nêu ra là: giảm trừ gia cảnh, phụ thuộc, CPI tăng thì sẽ điều chỉnh mức giảm trừ và quỹ hưu trí tự nguyện miễn đóng thuế”. Ngoài ra, đại biểu Hải cũng đề nghị bỏ các khoản sau không tính thuế: Trợ cấp độc hại cho công nhân; trợ cấp khó khăn; các chế độ suy giảm sức lao động, tai nạn lao động, thai sản…
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đề nghị cần qui định rõ biến động CPI 20% trong thời gian bao lâu thì sẽ điều chỉnh thuế? Vì thực tế, có nhiều trường hợp trượt giá lâu nhưng lại không điều chỉnh.
Vẫn còn quá nhiều bậc thuế?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị: Thời điểm có hiệu lực nên áp dụng kể từ ngày 1/1/2013, vừa giúp cho nền kinh tế phục hồi nhờ tiêu thụ được hàng hóa tồn kho. Trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế đến nền kinh tế phục hồi nhanh, việc giảm thuế là hỗ trợ có cấp số nhân hơn chúng ta triển khai tăng đầu tư. Tăng thu nhập tức là tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Điều này cũng giúp chúng ta tính chỉ số 20% thuận tiện hơn. “Ví dụ như hỏi lạm phát ngày 1/7//2011 là bao nhiêu tôi không nhớ nhưng hỏi lạm phát năm 2011 tôi sẽ biết ngay là 18,13%. Như vậy nếu chung ta tính mốc từ đầu năm để lưu ý đến điều chỉnh giảm trừ gia cảnh rất dễ dàng” – đại biểu Ngân nói.
Cũng theo đại biểu Ngân, với Luật thuế TNCN hiện nay, chúng ta qui định có quá nhiều bậc, gây khó cho người nộp thuế, không nhớ nổi mình ở bậc mấy... Các nước đang hướng đến 1 bậc. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét giảm số bậc tính thuế./.