Thuế TNCN: giảm trừ gia cảnh nên theo thu nhập bình quân
(VOV) -Thực tế, lương cơ bản chỉ là danh nghĩa, không phản ánh đúng bản chất về thu nhập khi giá cả tăng.
Khoan sức dân
Chính phủ vừa trình Quốc hội phương án sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo tinh thần của Chính phủ đưa ra, lần này chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, không làm ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN. Đồng thời, bảo đảm chính sách đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Lần sửa đổi này tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (1) mức giảm trừ gia cảnh; (2) phạm vi, đối tượng chịu thuế và (3) kỳ tính thuế, kê khai, quyết toán thuế.
Theo đó, Dự án Luật dự kiến điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và của người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ làm giảm mức điều tiết thuế so với hiện hành ở tất cả các bậc thuế, nhất là những người có thu nhập đến mức nộp thuế ở các bậc thấp (100% số người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển xuống diện không phải nộp thuế và một số lượng đáng kế người đang nộp thuế ở bậc 2 cũng sẽ chuyển xuống bậc 1 và diện không phải nộp thuế và tương tự người nộp thuế ở các bậc trên sẽ chuyển xuống bậc thấp hơn).
Số thuế phải nộp theo mức thu nhập theo quy định hiện hành và phương án dự kiến (triệu đồng/tháng) |
Bình luận về những con số này, theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc nên dựa vào mức lương tối thiểu để từ đó có thể thay đổi theo biến động của giá cả thay vì con số ấn định, cứng nhắc.
“Các nước họ đều làm thế. Nghĩa là lấy mức giảm trừ theo thu nhập đầu người, ví dụ Trung Quốc đang làm và 2 năm họ lại điều chỉnh theo biến động của giá khi điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của dân cư” – ông Nhã dẫn chứng.
Theo quan điểm của ông Nhã, đưa con số ấn định là tính thuế theo thu nhập thực tế còn lương cơ bản chỉ là danh nghĩa, không phản ánh đúng bản chất về thu nhập khi giá cả tăng. Mức giảm trừ gia cảnh, theo như các nước, đó không phải là khoản thu nhập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu của một người lao động hay phụ thuộc. Đây chỉ là một quy định hỗ trợ cho người có thu nhập.
“Hiện nay vẫn không có nhiều người hiểu bản chất của mức giảm trừ gia cảnh. Thu nhập 10 triệu với một người gia đình đông con thì cũng không thể đủ sống được nhưng với người khác thì có thể. Đưa ra một con số cụ thể chỉ là quy ước. Còn về nguyên tắc của thuế TNCN là tính thuế từ những khoản thu nhập đầu tiên” – ông Nhã nêu ý kiến của mình.
Với mức dự kiến như hiện nay, theo ông Nhã, có lẽ tên Luật thuế thu nhập cao cũng phù hợp với Luật thuế TNCN. Vì với một người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng mà có 2 người phụ thuộc thì thu nhập từ 16,2 triệu đồng trở xuống chưa phải nộp thuế. So với thu nhập bình quân của người dân thì đây cũng là mức cao hơn rất nhiều. “Đứng ở góc độ lý thuyết và thực tiễn thì đúng là có điểm chưa phù hợp với tên gọi như hiện nay”, theo ông Nhã.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định trong dự án Luật sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Trong dự thảo có đề cập khi giá cả tăng trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả. Tính toán của ông Nhã chỉ ra rằng, ở nước ta, giá cả hàng năm biến động khoảng 7-8% thì sau 2 năm tăng giá cả thì đến năm thứ ba điều chỉnh cũng là mức hợp lý. Mức 20% này là giá cả biến động trong khoảng thời gian nhất định chứ không phải tính trên một năm, tính từ thời điểm gốc.
Boăn khoăn về giảm nguồn thu
Điều mà Ủy ban Tài chính – Ngân sách rất băn khoăn ngay từ khi tiếp cận bản dự thảo đầu tiên của Chính phủ là việc nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/người/tháng. Theo quan điểm của Ủy ban, với quy định này dường như chỉ tập trung vào một bộ phận người có thu nhập tương đối cao. Ông Nhã cho hay: Ủy ban đồng ý với dự thảo vì số đông của nhân dân nhưng với nguồn lực của chúng ta rất hạn hẹp và làm như vậy sẽ giảm đột ngột nguồn thu. Một trong những cải cách chính sách thuế mà chúng ta đưa ra theo hướng tăng thuế trực thu trong tổng thu ngân sách nhà nước, trong điều kiện thuế gián thu giảm. “Theo như Chính phủ trình thì có thể đây một bước lùi nhỏ trong tiến trình cải cách thuế. Tất nhiên, cũng có những điều kiện nền kinh tế nước ta, thu nhập của người dân cũng chưa cao. Tôi cho rằng, đây sẽ là vấn đề mà trong tương lai sẽ phải tính toán” – ông Nhã lưu ý.
Ước tính của ông Đinh Văn Nhã, nếu kinh tế tăng trưởng đều đặn khoảng 6-7% thì năm 2015 có thể số lượng người nộp thuế tăng lên sẽ bù đắp được số hụt ngân sách.
Áp dụng khi nào?
Về ý kiến cho rằng, nên giãn bậc thuế xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay là quá dày, ông Đinh Văn Nhã cho biết: Với mức giảm trừ gia cảnh như dự thảo thì tính điều tiết của thuế thu nhập đã giảm đi. Nếu chúng ta giãn bậc thuế thì hụt thu ngân sách sẽ nhiều nữa và sẽ không như con số dự báo là 12.000-14.000 tỷ đồng/năm. “Điều chỉnh luật phải đảm bảo một cái gì đó hợp lý đối với người lao động song cũng phải tính đến nguồn lực cho ngân sách sao cho nguồn thu không giảm quá lớn” - đó là lý do ông Nhã cho biết vẫn muốn giữ bậc thuế như hiện hành khi đã nâng mức giảm trừ.
Một vấn đề nữa mà các đại biểu Quốc hội cân nhắc kỹ dự án Luật thuế TNCN sẽ có hiệu lực từ thời điểm nào? Nếu có hiệu lực 1/1/2013 thì sẽ giảm thu khoảng 13.000 tỷ đồng còn từ 1/7/2013 có hiệu lực thì con số này sẽ ít hơn. Ông Nhã nêu quan điểm: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc cân đối ngân sách để chi cho an sinh xã hội, nguồn tăng lương thì hợp lý hơn cả vẫn là nên có hiệu lực từ 1/7/2013. Hy vọng kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên thì mức độ giảm người đóng thuế chỉ xảy ra trong một hai năm đầu”./.