Thương hiệu bán lẻ Việt Nam vì sao vẫn mờ nhạt?
VOV.VN - Thiếu quan tâm xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Một trong những khó khăn khiến các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam khó cạnh tranh được với những “ông lớn” bán lẻ nước ngoài, đó chính là việc tạo lập và xây dựng thương hiệu bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, cả ở phương diện vĩ mô và nhất là ở bản thân các doanh nghiệp bán lẻ.
Nói về điểm yếu trong việc xây dựng thương hiệu của các nhà bán lẻ Việt Nam, ThS. Vũ Thị Hồng Phượng - Đại học Thương mại cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn đầu tư chưa thích đáng cho việc xây dựng thương hiệu, một số thương hiệu chỉ nổi tiếng ở thành thị, lực lượng đông đảo người tiêu dùng nông thôn không biết đến.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài với thương hiệu uy tín vốn đã được biết đến rộng rãi, khi đến Việt Nam họ còn tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong và ngoài nước, đảm bảo được nguồn hàng ổn định với giá gốc để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Từ đó họ ngày càng củng cố được thương hiệu của mình và đây là một lợi thế hết sức quan trọng mà hầu hết các nhà bán lẻ Việt Nam chưa có được.
Nhiều nhà bán lẻ Việt Nam chưa chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho mình nên sự xuất hiện trên thị trường còn mờ nhạt. |
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp bán lẻ hiện đại của Việt Nam có những giai đoạn phát triển chuỗi bán lẻ rất mạnh mẽ, nhưng có lúc lại trồi sụt, chao đảo, gặp những khó khăn nhất định như giai đoạn 2013 – 2016. Điều đó xảy ra là có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân khá quan trọng là việc tạo lập và xây dựng thương hiệu bán lẻ Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.
Hơn nữa, việc xây dựng các thương hiệu bán lẻ Việt Nam trong điều kiện hiện nay còn gặp những khó khăn trong sự cạnh tranh quyết liệt về xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giữa hình thức bán lẻ trực tiếp và bán hàng trên mạng; giữa kênh bán lẻ hiện đại và các kênh bán lẻ khác trên thị trường.
“Những doanh nghiệp bán lẻ có thương hiệu làm ăn nghiêm túc còn phải cạnh tranh với những doanh nghiệp làm ăn phi pháp trên thương trường, hàng lậu, hàng giả đang hoành hành trên thị trường một cách phổ biến cũng là những trở ngại lớn trong việc xây dựng thương hiệu bán lẻ chân chính”, ông Phú nhận xét.
Doanh nghiệp bán lẻ cần được khích lệ và quảng bá
Để tạo lập và phát triển thương hiệu bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam, ThS. Vũ Thị Hồng Phượng cho rằng, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ về vai trò đầu tư cho công nghệ, áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ. Đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin, truyền thông lên ngôi với phương tiện truyền thông hiện đại và đa dạng hóa như hiện nay, việc quảng bá và giữ gìn thương hiệu cũng phải luôn được quan tâm đầu tư thích đáng và có hiệu quả.
“Với đặc thù thương mại bán lẻ là phục vụ người tiêu dùng cuối cùng nên với yêu cầu ngày càng cao về mọi mặt của khách hàng hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ nội phải chú ý đến yếu tố nguồn hàng để có thể lựa chọn và duy trì ổn định nguồn cung cấp hàng hóa chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường đồng thời giữ uy tín với khách hàng, xây dựng đạo đức kinh doanh và văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp,… từ đó mới tạo lập được thương hiệu riêng cho mình”, bà Phượng lưu ý.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, một thương hiệu bán lẻ không thể một vài năm tạo dựng được, đây là cả một quá trình xây dựng bền bỉ lâu dài trong nhiều năm. Xây dựng được một thương hiệu bán lẻ đã khó, giữ cho nó tồn tại và phát triển lại càng khó hơn.
“Nhà nước cần phải kiểm soát thị trường một cách công bằng, lành mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; biểu dương và phổ biến rộng rãi những gương, những thương hiệu bán lẻ điển hình trên thị trường để người tiêu dùng xã hội biết đến và ủng hộ một cách tự giác”, ông Phú đề xuất.
Với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu bán lẻ trong nhiểu năm, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó TGĐ thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, một mặt nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng để ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ hơn lúc nào hết cần nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng hiệu quả.
Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, xây dựng quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di động, mạng xã hội cần được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn. Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường./.
Thị trường bán lẻ Việt Nam thiếu liên kết nên mạnh ai nấy làm