Thương hiệu quốc gia khẳng định vị thế của doanh nghiệp
VOV.VN - Thương hiệu quốc gia góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của DN trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về vai trò quan trọng của thương hiệu, trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của DN trên thị trường thông qua 3 tiêu chí: Chất lượng; Đổi mới sáng tạo và Năng lực tiên phong.
Năm 2020, Hội đồng THQG đã công nhận 124 DN với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020. Đây là những DN đáp ứng hệ thống các tiêu chí THQG Việt Nam và là những DN tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.
Nhân dịp này, PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) về vai trò, định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu của Việt Nam.
PV: Thưa ông, Chương trình THQG đã truyền cho các DN động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho THQG Việt Nam. Ông có đánh giá gì về điều này?
Ông Vũ Bá Phú: Chương trình THQG đã trải qua 17 năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, DN tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và hỗ trợ các DN nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu.
Số lượng các DN có sản phẩm đạt THQG tăng dần qua các thời kỳ, từ con số 30 DN năm 2008, đến năm 2020 đã có hơn 1.000 DN đăng ký tham gia xét chọn và 124 DN đã được vinh danh có sản phẩm đạt THQG.
Sự gia tăng về sức hút và uy tín của Chương trình THQG không chỉ là cấp số nhân về số lượng các DN đăng ký tham gia xét chọn và số sản phẩm được công nhận mà còn thông qua sự phát triển bền vững, lớn mạnh của chính các DN có sản phẩm đạt THQG.
Sự đi lên của một DN được thể hiện ở rất nhiều yếu tố, đặc biệt với các DN có sản phẩm đạt THQG thì những yếu tố mang tính bền vững, cốt lõi lại càng được chú trọng như doanh thu, nộp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động và các hoạt động từ thiện xã hội.
Có thể nói, thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của DN và TQHG có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Một DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao. Một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và THQG Việt Nam cũng không ngoại lệ.
PV: Như ông nói THQG là sự ghi nhận và cơ hội phát triển lớn cho DN, vậy DN với sản phẩm mang THQG sẽ có những lợi thế nào?
Ông Vũ Bá Phú: Nhận thức rõ được tầm quan trọng của thương hiệu đối với DN, nên Chương trình THQG ngay từ những kỳ xét chọn đầu tiên đã được xây dựng và triển khai với mục đích nhằm hỗ trợ DN thúc đầy và phát triển thương hiệu, kết hợp với các hoạt động quảng bá cho thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu các sản phẩm cụ thể.
DN khi có sản phẩm được công nhận THQG mới là sự khởi đầu cho cả một quá trình phát triển lâu dài, bền vững với sự bảo trợ của Nhà nước để tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường nội địa, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
Nhờ đó, thương hiệu sản phẩm của DN đạt THQG đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, tăng tần suất phủ sóng và nâng cao độ nhận diễn thương hiệu tại thị trường quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển thương hiệu các DN có sản phẩm đạt THQG rất đa dạng và luôn mang tính thời đại, phù hợp với hoàn cảnh của từng giai đoạn phát triển.
PV: THQG sẽ giúp nhiều DN vươn ra thị trường quốc tế từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ông cho biết những hỗ trợ từ Bộ Công Thương đối với các DN trong công tác này?
Ông Vũ Bá Phú: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam nói chung và của các DN có sản phẩm đạt THQG nói riêng đang có thêm nhiều cơ hội mới.
Trước bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương đã áp dụng linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tế các biện pháp hỗ trợ thâm nhập thị trường xuất khẩu, tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu phục vụ DN hướng đến nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các quốc gia đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, EU,…
PV: Còn đối với thị trường nội địa, DN có sản phẩm THQG sẽ được hỗ trợ và phát huy lợi thế như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Bá Phú: Thực tiễn thị trường nội địa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi DN nói riêng và nền kinh tế của quốc gia nói chung. Vì vậy, để hỗ trợ các DN có sản phẩm đạt THQG chiếm lĩnh vị thế cũng như thị phần lớn ở thị trường trong nước trước những thương hiệu mạnh của thế giới, Bộ Công Thương đã triển khai những hoạt động hỗ trợ rất thiết thực thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận biết cũng như nhận thức của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, Bộ Công Thương đã tăng cường các hoạt động kết nối DN với các nhà phân phối lớn trong nước nhằm hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong công tác sản xuất hàng hóa, đồng thời hỗ trợ cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm nhằm nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm cũng như tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng hỗ trợ chuỗi các hoạt động truyền thông các sản phẩm ngành thực phẩm đạt THQG, giúp quảng bá các sản phẩm uy tín, chất lượng với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cả nước.
PV: Xin cảm ơn ông!./.