Thương lái nước ngoài chuyển sang mua lén lút, bí mật
(VOV)- Bộ Công Thương: thương lái nước ngoài đã không hoạt động công khai, phạm vi rộng mà đi vào hoạt động lén lút, bí mật và quy mô nhỏ…
Gây nhiễu thị trường…
Tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, vừa được Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (7/9), Bộ Công Thương đánh giá những hành vi thu mua nông sản trái phép của thương lái nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua dẫn đến: ảnh hưởng (thậm chí là phá vỡ) các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến; gây bất ổn thị trường.
Bộ Công Thương khuyến cáo bà con nên thận trọng khi bán nông sản cho thương lái nước ngoài |
Riêng về sự bất ổn thị trường thể hiện ở các mặt: đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, ảnh hưởng đến mặt bằng giá tiêu dùng trong nước và giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản,… khiến giá chào bán xuất khẩu mặt hàng này không ổn định, phát triển thiếu bền vững;
Hơn nữa, việc thu mua ồ ạt không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại tạo ra đơn hàng riêng… về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, tạo sự phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu;
Nó còn gây ảnh hưởng (thậm chí là phá vỡ) cảnh quan, tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên do đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, tận thu trong một thời gian ngắn bằng mọi cách gây thiệt hại cho người sản xuất; gây thất thu thuế; mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua trái phép nông sản.
“Mặc dù đã có sự vào cuộc chỉ đạo, điều hành, phối kết hợp của Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương có liên quan, bước đầu đã hạn chế được hoạt động thu mua trái phép nông sản của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, các hoạt động này diễn ra không còn công khai, phạm vi rộng, số lượng lớn…. mà đi vào hoạt động lén lút, bí mật, quy mô nhỏ…”- Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết.
Theo ông Võ Văn Quyền, có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Về khách quan, do nhu cầu của thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (thói quen mua bán dựa trên chữ tín, thỏa thuận bằng miệng, thanh toán bằng tiền mặt… đã hình thành từ lâu).
Về nguyên nhân chủ quan, ông Quyền cho rằng, từ nhận thức chính sách, pháp luật đến phối hợp tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các thương nhân nước ngoài tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế. Đồng thời, vì lợi ích riêng, một bộ phận thương lái Việt Nam đã tiếp tay cho các hành vi này;
Hơn nữa, do nhận thức chưa đầy đủ, vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân đã bán hàng hóa trực tiếp cho thương nhân nước ngoài mà không biết đang tiếp tay cho họ vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thương nhân nước ngoài hoạt động thu mua nông sản tại Việt Nam chưa đầy đủ, chưa phù hợp với từng đối tượng…
Còn nhiều vướng mắc ở cơ chế xử lý
Về luật pháp, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) khẳng định: Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật cơ bản đầy đủ để kiểm soát hoạt động này, nhưng vấn đề là ở sự phối hợp tổ chức quản lý thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như thế nào, từ cấp Trung ương đến địa phương, để kịp thời ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra.
Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều quy định cho phép xử lý các hoạt động thu mua nông sản trái phép, nhưng theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cái khó hiện nay là thương nhân nước ngoài chủ yếu điều hành mua bán qua người Việt Nam, có khi họ không xuất hiện ở Việt Nam, không trực tiếp thu mua nên rất khó xử lý. Thậm chí, có trường hợp vi phạm, bắt giữ được hàng và người là thương nhân nước ngoài, nhưng còn liên quan vướng mắc về cơ chế pháp lý trong quá trình xử lý nên khó xử lý trực tiếp.
Đồng quan điểm này, ông Đào Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, lấy ví dụ từ hoạt động thu mua vải thiều tại tỉnh, chia sẻ: Mặc dù hoạt động thu mua vải thiều tại Bắc Giang thời gian qua chưa gây mất trật tự an ninh, không có tranh mua tranh bán, nhưng có hiện tượng liên quan đến thương lái nước ngoài, đặc biệt là thương lái Trung Quốc. Biểu hiện là thương lái Trung Quốc không trực tiếp đứng ra mặc cả, trả tiền thu mua vải thiều tại địa phương, nhưng thông qua thương lái người Việt Nam để đứng ra thu mua và bằng cách nào đó họ vẫn có thể lựa chọn mẫu mã hàng hóa và định giá thu mua.
Thực tế từng xảy ra tại Bắc Giang là khi thị trường Trung Quốc không thu mua vải thiều, giá vải xuống rất thấp, nhiều người dân đã chặt phá cây vải. Nhưng khi Trung Quốc tăng giá thu mua, dân lại chạy theo. Đơn cử, năm 2012, có lúc giá vải thiều lại lên rất cao, tới 30.000 đồng/kg quả tươi, hoạt động mua bán, vận chuyển tấp nập, có lúc gây ách tắc giao thông.
Liên quan đến vấn đề về cơ chế xử lý vi phạm, ông Chín, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết: Hiện làng nghề Đồng Kỵ (chuyên đồ gỗ) đang có các thương nhân Trung Quốc sang thu mua sản phẩm thô của làng nghề này, sau đó thuê mặt bằng nhà xưởng, nhân công tại chỗ để sản xuất rồi bán sản phẩm. Tuy nhiên, rất khó quản lý, vì người Trung Quốc không trực tiếp đứng ra kinh doanh mà điều hành qua người Việt Nam.
Trước thực trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, bên cạnh việc từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan vấn đề này đến người dân và các thương nhân trong nước để nâng cao cảnh giác, tránh vì cái lợi trước mắt mà đánh mất sự phát triển bền vững lâu dài của ngành, lĩnh vực.
Bởi bà Thoa cho rằng, siết chặt quản lý đầu ra nhưng vẫn phải tìm cách để tránh thiệt hại cho bà con nông dân; cần lưu ý không nên có tâm lý sợ quản lý chặt quá lại không có đầu ra. Bởi vì, thà rằng bán được 300 kg mà lấy được đủ tiền còn hơn bán được 30 tấn mà không lấy được tiền./.