Thương mại điện tử Việt Nam chưa chăm tốt “đất vàng” trên di động
VOV.VN -Điện thoại di động đóng góp lượng lớn truy cập vào các trang thương mại điện tử, tuy nhiên tỉ lệ chốt đặt hàng lại thấp hơn nhiều so với máy tính bàn.
Theo báo cáo thị trường ứng dụng điện thoại di động nửa đầu năm 2018 do Appota công bố, số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam ước tính là 35,1 triệu người, đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD. Con số này sẽ đạt 43,9 triệu người với doanh thu vượt 4 tỷ USD năm 2022. Trong đó, một phần lớn được giao dịch qua facebook.
Điện thoại di động đóng góp lượng lớn truy cập vào các trang thương mại điện tử, tuy nhiên tỉ lệ chốt đặt hàng lại thấp hơn nhiều so với máy tính bàn. |
Thống kê cho thấy nếu như năm 2016, số người mua hàng qua facebook chiếm 67%, thì con số này trong năm 2017 đã tăng lên 83%.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ thế hệ Millenial (từ 18 - 35 tuổi) tạo nên 82% thị phần thương mại điện tử Việt Nam. Đây là phân khúc quan trọng nhất cho các nhà bán lẻ, cung cấp dịch vụ trực tuyến.
TPHCM là thị trường mua sắm trực tuyến lớn nhất với 38%, Hà Nội 17%, Cần Thơ 3%, Đà Nẵng 3%, Hải Phòng 1% và các tỉnh thành còn lại chiếm 39%.
Báo cáo của iPrice cho thấy, điện thoại di động đóng góp lượng lớn truy cập vào các trang thương mại điện tử. Việt Nam tuy vẫn có tỷ lệ truy cập từ điện thoại di động thấp nhất khu vực, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong một năm qua, với tỷ lệ lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử bằng điện thoại di động tăng 26%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, điện thoại di động đang là xu hướng mua hàng trực tuyến của người dùng. Mức độ người tiêu dùng phụ thuộc các thiết bị thông minh để mua sắm ngày càng tăng.
Thống kê truy cập trên hệ thống hơn 33.000 website khách hàng của Sapo Web cho thấy có hơn 60% truy cập vào web là từ thiết bị di động (tăng 5% so với năm ngoái), còn lại là máy tính bàn và máy tính bảng. Số liệu mới nhất của iPrice cũng là 72% truy cập vào các trang thương mại điện tử từ điện thoại di động.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám Đốc Bộ phận Nghiên Cứu Người Tiêu Dùng, Công ty Nielsen Việt Nam. |
"Các trang thương mại điện tử, nhà cung cấp chưa đầu tư thích đáng cho giao diện smartphone. Bối cảnh hiện nay đặt ra đòi hỏi các nhà bán lẻ, cung cấp dịch vụ cần có giao diện tương thích với điện thoại. Nếu thực hiện tốt việc này, thị trường thương mại điện tử sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa", bà Đặng Thúy Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) cũng cho rằng, các doanh nghiệp muốn thành công cần theo sát những xu hướng thương mại di động mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Nếu website của doanh nghiệp có sự tương thích đối với thiết bị di động, doanh nghiệp sẽ bảo đảm được khả năng hiện diện trước nhiều khách hàng hơn và khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp cũng được nâng cao./. Infographics: Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng hấp dẫn
Thương mại điện tử muốn phát triển không thể thiếu dịch vụ logistics