Thủy sản về đích năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD
VOV.VN - Với kim ngạch xuất khẩu đạt 11 USD cao nhất trong những năm qua đưa ngành thủy sản của Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới.
Ngành thủy sản có 1 năm phục hồi sau đại dịch Covid 19 và phát triển ấn tượng về đích với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gần 34% so với năm ngoái và hoàn thành sớm mục tiêu đề ra trong năm 2022. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT diễn ra chiều nay (27/12), tại Hà Nội.
Thực hiện kế hoạch năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động bất lợi, các đại biểu đề nghị cần đưa ra những dự báo sát với tình hình, xu thế biến động của thị trường thế giới và trong nước; nâng cao năng lực phản ứng nhanh nhất là vai trò của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản thông tin, không chỉ tập trung vào gỡ thẻ vàng, ngành thủy sản đang tập trung vào nâng cao năng lực của người dân, nâng cao năng lực của ngành hàng thủy sản. “Theo đánh giá mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong 2023, điều này ảnh hưởng đến những thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đây là thách thức phải vượt qua. Xác định rõ thách thức, nên ngành phải phối hợp rất chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng trong vận hành của các thị trường theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết”, ông Toàn nói.
Nhận định về thị trường thủy sản năm 2023, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, với 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, bước sang năm 2023 vẫn có thể duy trì được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Tuy nhiên, những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn, vì lạm phát đã “ngấm sâu” vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, xuất khẩu trong quý I/ 2023 sẽ bị sụt giảm.
“Hiện nay các đơn hàng gần như bị sụt giảm rất mạnh, nhiều DN không nhận được đơn hàng cho cho quý I năm tới, nên hy vọng từ quý II hoặc ít nhất là nửa cuối năm 2023 nhu cầu thị trường sẽ hồi phục. Kinh tế của các nước hồi phục lại dần là cơ hội để Việt Nam để thúc đẩy lại xuất khẩu trở lại nếu đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu, các nguồn lực kể cả về vốn, tạo điều kiện cho DN sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục”, bà Hằng lưu ý.
Khẳng định thành tựu của ngành thủy sản trong năm 2022 với kim ngạch cao nhất trong những năm qua, đạt 11 USD đưa ngành thủy sản của Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đóng góp của ngành thủy sản có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành NN&PTNT. Đây là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cung ứng ngành thủy sản, trong đó có các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản.
“Ngoài sản lượng 9 triệu tấn, xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 11 tỷ USD - cao nhất trong nhiều năm qua, sẽ là tiền đề để Bộ tổng kết thực hiện các giải pháp trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bước sang năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được trong hệ thống giải pháp và thách thức khó khăn, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện giải pháp sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của 2023”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Năm 2023, ngành thủy sản đạt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD./.