Tiềm năng lớn của thị trường hàng Việt
VOV.VN - Hiện tại các chợ và siêu thị tại Đăk Lăk, phần lớn người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sức lan tỏa và tác động lớn đến ý thức của người tiêu dùng ở tỉnh Đăk Lăk. Với dân số 1,8 triệu người, phần lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, Đăk Lăk là thị trường thuận lợi cho hàng Việt.
Dạo quanh một vòng tại siêu thị và một số trung tâm thương mại ở thành phố Buôn Ma Thuột, điều dễ nhận thấy là hàng hóa rất đa dạng, phong phú. Phần lớn người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, trước kia hàng Việt Nam chỉ có ít, mẫu mã nghèo nàn nhưng giờ hàng Việt đã có sự đa dạng, đẹp, chất lượng tốt, do vậy mà không phải chỉ riêng chị Lan mà nhiều người cũng yêu thích mua hàng Việt Nam.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được triển khai rộng khắp. (Ảnh: Internet) |
Theo khảo sát của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, có từ 80%- 90% người dân trong tỉnh tin dùng hàng Việt Nam, còn tại các siêu thị trên địa bàn, hàng Việt trưng bày chiếm tỷ trọng trên 90%. Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột là một trong những doanh nghiệp tiên phong và gắn bó lâu dài với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại Đăk Lăk.
Ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc ngành hàng phi thực phẩm của siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột cho biết, sau 6 năm đưa hàng Việt về nông thôn, sự nhận biết, sự cảm nhận của người tiêu dùng nông thôn về hàng Việt đã có mức độ nhận biết cao hơn. Trong những lần đưa hàng Việt về nông thôn, siêu thị được người tiêu dùng ủng hộ và nâng dần thương hiệu của hàng Việt lên một mức mới.
Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện có 146 chợ truyền thống, 2 trung tâm thương mại và 4 siêu thị. Bên cạnh 5.500 doanh nghiệp, còn có khoảng 50.000 hộ kinh doanh cá thể. Với dân số gần 1,8 triệu người, phần lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nên Đăk Lăk là thị trường thuận lợi cho hàng tiêu dùng và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Y Dec H’Dơt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đăk Lăk - Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh cho biết: Cuộc vận động đã góp phần nâng cao ý thức và hình thành thói quen của người dân địa phương chọn hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để hàng Việt có chỗ đứng lâu dài, giữ được niềm tin của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cả về chất lượng và giá thành sản phẩm phù hợp; cần có những hoạt động gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
“Đăk Lăk là một trong những tỉnh có diện tích nông nghiệp rất lớn như cà phê, cao su, trồng hoa màu… Tỉnh xác định cần phối hợp với các doanh nghiệp phân bón trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp cần quảng bá thương hiệu của mình, giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến thì vấn đề tiêu thụ hàng hóa Việt Nam mình rất tốt”.
Để cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đem lại hiệu quả cao và có tính bền vững, tỉnh Đăk Lăk xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến với các tầng lớp nhân dân, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Đăk Lăk tăng cường công tác quản lý thị trường hạn chế chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững trong giai đoạn mới./.