Tiền gửi ngân hàng “bốc hơi”, ai chịu trách nhiệm?
VOV.VN -Kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải đảm bảo tiền không bị thất thoát.
Gần đây xuất hiện nhiều trường hợp tiền gửi ở ngân hàng “không cánh mà bay” khiến chủ tài khoản phát hoảng. Đặc biệt, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền.
Nhiều khách hàng phàn nàn tiền gửi ở ngân hàng bỗng nhiên biến mất (Ảnh minh họa: Internet) |
Tiền gửi ngân hàng bỗng dưng “bốc hơi”
Mới đây, bà Ngô Phương Anh ở Đà Lạt - khách hàng của Ngân hàng thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - lên tiếng về sự việc mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm. Bà Ngô Phương Anh (ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trực tiếp đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội) đề nghị tất toán sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại đây bà được thông báo số tiền trên đã không còn. Ngân hàng BIDV đang phối hợp với công an để làm rõ vụ việc.
Anh Lê Đình Trung ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa làm đơn khởi kiện Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ khi bỗng dưng mất 43 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm. Hai nhân viên ngân hàng và bố mẹ ruột của anh Trung được cho là đã cấu kết lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh.
Anh Trung đang hoang mang vì bỗng dưng mất tiền
Khi vừa ngủ dậy, ông Vũ Thành Phương, chủ thẻ MasterCard Debit của Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) choáng váng khi nhận được liên tiếp 14 tin nhắn từ tổng đài NH báo tin thẻ được giao dịch ở Nhật Bản với số tiền hơn 17 triệu đồng.
Từ tin nhắn thứ 11 trở đi giao dịch không thành công do không đủ tiền thanh toán. Ngay lập tức, ông điện thoại cho NH khóa thẻ lại. Nhưng chờ đến tận ngày hôm sau, NH mới thông báo cho ông là đang xử lý bước đầu, nghĩa là đã báo cho phía MasterCard để họ kiểm tra rồi mới tiến hành các bước tiếp theo.
Sau gần chục ngày giải quyết, ông Phương vẫn không biết là mình có lấy lại được tiền không mặc dù ông khẳng định không vào các link giả mạo, hay những link lạ để thực hiện thanh toán giao dịch.
Đáng lo ngại là trường hợp tiền của bà Na Hương bị chuyển một cách “bí ẩn” khỏi tài khoản 500 triệu đồng tại Vietcombank chưa lắng xuống, thì nay lại đến trường hợp của ông Phương cũng tại NH này.
Không những tài khoản cá nhân mà ngay cả tài khoản doanh nghiệp cũng bị “bốc hơi” khiến chủ doanh nghiệp tá hỏa. Việc 26 tỉ đồng trong tài khoản Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân (trụ sở ở H.Củ Chi, TP.HCM) mở tại NH TMCP VN Thịnh Vượng (VPBank) biến mất đang gây chấn động dư luận.
Các vụ "tố mất tiền" toàn là khách VIP
Hàng loạt các vụ việc mất tiền gần đây từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng đều là các khách hàng có số tiền lớn (VIP) mặc dù họ luôn nhận được sự ưu đãi trong quy trình phục vụ của cán bộ ngân hàng.
Gần đây, việc khiếu nại mất tiền trong tài khoản ngân hàng liên tục xảy ra (Ảnh minh họa: Thanh Niên) |
Tại sao lại như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng chính vì các khách hàng là khách hàng VIP có nhiều tiền mới thu hút sự chú ý của kẻ xấu nhưng cũng có người đổ lỗi cho ngân hàng, càng những khách hàng VIP lại càng không thể mất cảnh giác như vậy, bởi họ luôn là "Thượng đế của Thượng đế".
Thực tế trong hoạt động ngân hàng, chính sự chủ quan và bận rộn nên rất hiếm khi khách VIP, đặc biệt các VIP là lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp đến mở tài khoản, ngồi đặt bút ký trước sự chứng kiến của ngân hàng, cũng như mang theo cơ sở pháp lý để đối chứng cho chữ ký. Thay vào đó, họ giao cho nhân viên kế toán, hoặc bộ phận chuyên trách đứng ra làm thủ tục, trình ký, thậm chí hồ sơ này có thể chuyển qua đường bưu điện đến ngân hàng… Cũng có những trường hợp khách VIP bận rộn, họ yêu cầu nhân viên ngân hàng thực hiện thay các thủ tục, thậm chí rút tiền hộ và mang đến tận nhà.
Nhiều khách VIP dù không thu xếp đến quầy giao dịch nhưng vẫn đòi hỏi các giao dịch phải được thực hiện. Vì áp lực chỉ tiêu, nhân viên ngân hàng và ngay cả lãnh đạo ngân hàng vẫn phải nhắm mắt bỏ qua các thủ tục để tránh mất lòng khách.
Như vậy rõ ràng, chính vì sự cả nể của ngân hàng và thái độ "Thượng đế" của các khách VIP là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sai sót, hiểu nhầm cũng như rất dễ bị kẻ xấu trục lợi.
Hiện tượng một số người có ý đồ xấu, thấy nhiều người phản ánh mất tiền cũng đã lợi dụng chính sự ưu tiên của ngân hàng, sự lỏng lẻo trong quản lý để tố cáo nhằm trục lợi cá nhân.
Theo một số chuyên gia, nếu có việc lợi dụng sơ hở của ngân hàng nhằm mục đích khai thác chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bản chất vấn đề và xử lý theo pháp luật.
Sau hàng loạt vụ báo mất tiền trong tài khoản thanh toán của cá nhân và doanh nghiệp xảy ra gần đây, NHNN đã lên tiếng yêu cầu các ngân hàng xem lại quy trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán (theo cả phương thức truyền thống lẫn điện tử) để hạn chế những rủi ro, gian lận như vừa qua.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận các ngân hàng trên thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại, một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn có những sơ hở (dù nhỏ). Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của NH là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát.
“Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó”, ông Kiêm cho biết. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, hiện cách giải quyết phổ biến của các ngân hàng Việt Nam là trốn tránh trách nhiệm và sợ đền bù.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho rằng, những vụ việc khách hàng mất tiền ở Vietcombank hay VPBank mới đây đều cho thấy các lớp bảo vệ của ngân hàng khá sơ hở, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho khách hàng, thì ngân hàng phải chịu một phần trách nhiệm. Tuy nhiên, ở các sự vụ hiện nay, chưa thấy sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để làm rõ bản chất, từ công nghệ, dấu vết… Thông tin chỉ mới một chiều từ các ngân hàng.
“Ngân hàng có thể không có lỗi trong việc khách mất tiền (vì khách làm mất mật mã...) hoặc có lỗi một phần có thể từ chối bồi thường. Nhưng một ngân hàng khôn ngoan sẽ có cách ứng xử khác bằng cách xem xét đền bù một phần hoặc đầy đủ số tiền bị mất, đồng thời kèm theo lời hứa sẽ kịp thời “bịt” lỗ hổng bảo mật, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ... làm mọi cách để giữ vững uy tín, tạo lòng tin và giữ chân được khách hàng. Nếu cứ khăng khăng là mình đúng, đẩy phần thiệt cho khách hàng, thì nguy cơ người dân quay lưng với ngân hàng là rất cao”, luật sư Đức nói.
Có hay không quy trình và kỷ luật tiền tệ có dấu hiệu bị buông lỏng? Luật sư Đức nhìn nhận: Rõ ràng đang có sơ hở trong quy định, tuân thủ quy định và lơ là trong thanh, kiểm tra của hệ thống.
Chia sẻ tại Tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, các ngân hàng hiện nay đều đầu tư bảo mật để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, tuy nhiên không thể an toàn tuyệt đối.
Mặc dù vậy, nếu hệ thống máy chủ của ngân hàng bị tấn công, dữ liệu khách hàng bị kẻ gian đánh cắp thì các ngân hàng đều có hệ thống sao lưu back up, có quy trình đối chiếu để đảm bảo dữ liệu của khách hàng được an toàn...
Theo ông Hưng, lượng gian lận cùng lúc không hề dễ dàng. Ngay cả trong hệ thống ngân hàng chuyển giữa các ngân hàng với nhau cũng có quy định giới hạn chuyển từng lần, từng ngày... Khi hacker tấn công, thiệt hại chủ yếu về khắc phục sự cố chứ không phải thiệt hại tài chính. Ngân hàng luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn nội bộ ngân hàng trước.
Khách hàng cần nhận thức tốt hơn về bảo mật
Khách hàng có 2 loại: có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, hoặc thẻ tín dụng. Kể cả ngân hàng điện tử hoặc giao dịch tại POS đều có rủi ro.
Khách hàng phải có ý thức về an ninh bảo mật để tránh mất tiền (Ảnh minh họa: Internet) |
Ngân hàng điện tử đã có từ 30 – 40 năm nay. Gian lận thẻ, giả mạo thẻ là những vấn đề đã phát sinh cả chục năm trước. Tuy nhiên thời gian gần đây rất nhiều khách hàng mất, trở thành vấn đề nóng.
Mỗi năm, có hàng ngàn triệu tỷ đồng được chuyển qua hệ thống ngân hàng. Hiện mới chỉ ghi nhận 1 vụ lừa SMS để lấy được lớp bảo mật thứ hai.
Rất nhiều trường hợp khách hàng rất lơ đễnh, cho mượn password, đọc mã PIN cho người khác rút hộ... Xác định được những rủi ro như vậy, người dùng cần ý thức hơn việc giữ gìn thông tin cá nhân, thao tác trên thiết bị điện tử để thanh toán điện tử hay sử dụng thẻ. Nhận thức được tốt hơn thì rủi ro gian lận, mất mát tiền bạc sẽ hạn chế nhiều./.