Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần vận hành các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với tốc độ tăng giá tiêu dùng 9 tháng qua, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các tháng cuối năm để kiềm chế lạm phát.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, từng bước giảm dần lãi suất huy động và cho vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo nguồn cung sản phẩm cho thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần vận hành các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát.
Các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác quản lý giá cả phù hợp với cơ chế thị trường, quản lý về giá đối với một số mặt hàng độc quyền phù hợp cơ chế thị trường và nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế bằng các biện pháp kiểm soát chi phí, áp thuế…
Đặc biệt, để thực hiện kiềm chế lạm phát hiệu quả, các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu; tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp để tăng số lượng gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu thị trường không để xảy ra thiếu hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao.
Ngoài ra, công tác phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới cần tiếp tục tăng cường, nhất là dự báo nhu cầu thị trường để chủ động bảo đảm nguồn cung trong nước, ngăn chặn nguy cơ tăng giá cũng như tăng cường khả năng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, dự trữ chiến lược để bảo đảm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng qua đã tăng 16,63% so với tháng 12/2010. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có tốc độ tăng giá cao gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng của chỉ số giá chung./.