Tiêu thụ nông sản: Cần sự “chung tay” của người dân và nhà sản xuất

VOV.VN - Việc cung ứng không đúng về số lượng, giá cả như cam kết giữa nhà nông và doanh nghiệp dẫn đến tình trạng thừa nơi sản xuất, thiếu nơi tiêu dùng.

Tiêu thụ nông sản xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh nCoV bùng phát và diễn biến phức tạp ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chủ yếu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong khi các nhà phân phối, bán lẻ sẵn sàng cung ứng sản lượng lớn các loại trái cây như thanh long, dưa hấu đang vào chính vụ và cam kết đã chuẩn bị mọi mặt để đồng hành, sát cánh cùng bà con nông dân trong việc tiêu thụ các mặt hàng chuẩn bị vào vụ thu hoạch như nhãn, vải, xoài…

Thế nhưng, việc cung ứng không đúng về số lượng cũng như giá cả như cam kết ban đầu giữa “nhà nông” khiến nhiều siêu thị, trung tâm thương mại phải hủy đơn với khách hàng, người tiêu dùng muốn mua cũng không có, dẫn đến tình trạng thừa nơi sản xuất, thiếu nơi tiêu dùng.

Nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn

Đại diện các doanh nghiệp phân phối lớn như BigC & Go, VinCommerce, Aeon, Hapro… đều khẳng định sẽ đồng hành cùng bà con nông dân để tiêu thụ sản phẩm lâu dài, bền vững thay vì việc hỗ trợ, “giải cứu” trước mắt như hiện nay bởi nhu cầu, tiềm năng tiêu dùng trong dân là rất lớn.

Một điểm tiêu thụ nông sản tại Hà Nội.

Bà Đinh Hải Vân - Giám đốc thu mua miền Bắc của Tập đoàn Central Retail cho biết, hệ thống BigC & Go bắt đầu triển khai chương trình chung tay cùng bà con nông dân tiêu thụ 3 sản phẩm là thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng và dưa hấu từ ngày 5/2, với sản lượng tiêu thụ mỗi ngày khoảng 100 tấn dưa hấu (gấp 10 lần so với sản lượng dưa hấu bán ra ngày thường) và khoảng 70 tấn thanh long bán ra/ngày. Thế nhưng, hệ thống siêu thị này đang gặp khó khăn đối với việc cung cấp thanh long đỏ từ các nhà vườn.

“Với thanh long đỏ và thanh long trắng trung bình chúng tôi có thể bán được 70 tấn/ngày nhưng hiện tại các nhà cung cấp mới chỉ giao được cho chúng tôi khoảng 200 tấn. Hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn đối với thanh long đỏ ở Tiền Giang… Sản lượng thanh long đỏ có thể tiêu thụ tại BigC nhiều hơn số lượng thực tế nhà cung cấp có thể giao và cũng có thông tin là không cần giải cứu nữa. Vì vậy nên rất cần Sở Công Thương Tiền Giang xác nhận lại là có cần tiêu thụ nữa hay không” - bà Đinh Hải Vân nói.

Khi có thông tin từ các tỉnh thì doanh nghiệp mới lên được kế hoạch để làm sao tiêu thụ tối đa có thể… Và chúng tôi cũng có đề xuất muốn có được thông tin chi tiết từ tất cả các Sở Công Thương của các tỉnh về những sản phẩm cần giải cứu là những mặt hàng nào, từng giai đoạn như thế nào và sản lượng cụ thể là bao nhiêu, giá bao nhiêu. chúng tôi sẽ bố trí những vị trí nổi bật nhất trong siêu thị và trưng bày để làm sao có thể thu hút được tối đa khách hàng và tối đa sản lượng bán hàng ngày, bà Đinh Hải Vân cho biết.

Hiện nay thị trường nội địa có nhu cầu rất cao với nông sản.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce cho hay, hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart+ với khoảng 130 cửa hàng bán lẻ, và thông qua bán hàng trực tuyến nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn, nhưng việc cung ứng hàng từ phía nhà sản xuất chưa đủ như đăng ký với nhà phân phối.

Bà Thuỷ nêu ví dụ, dưa hấu khu vực Gia Lai cần 60 tấn/tuần nhưng sản lượng giao rất nhỏ giọt cứ 10 tấn 1 lần. Vì vậy, đề nghị cần có sự hỗ trợ từ các địa phương thông tin tới người nông dân, chung tay quảng bá cho sản phẩm của mình, cam kết về mặt cung cầu… Ngoài hệ thống Vincom, còn bán qua Scan&Go và bán hàng qua mạng để người dân không phải đi mua hàng, nên khi nhận được đơn hàng xong mà lại chưa có đủ hàng giao, nên mong Sở Công Thương cần hướng dẫn nông dân đảm bảo cung cấp sản lượng cam kết.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị SaigonCo.op Hà Nội, cho biết từ ngày 5/2 Co.opMart đã có chương trình hỗ trợ dưa hấu và thanh long với 800 điểm bán trên cả nước, sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày là 1.600 tấn. Có tình trạng là dưa hấu và thanh long phải chờ đợi 2 ngày sản phẩm mới ra đến nơi, nên mong làm sao các địa phương cung cấp nguồn hàng, đảm bảo số liệu tốt nhất để tiêu thụ cho người nông dân, tránh ảnh hưởng nguồn cung.

Hướng tới các thị trường xuất khẩu mới

Trong 5 ngày triển khai, toàn bộ trung tâm bán lẻ của Công ty Aeon Việt Nam đã tiêu thụ 60 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long. Tuy nhiên, hiện tại có thông tin là dưa hấu và thanh long không cần giải cứu nữa và nhà cung cấp không cần nhu cầu nữa, nhà cung cấp cũng không giao hàng nữa. Do đó, cần phải có thông tin chính xác và chiến lược dài hạn hơn bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm này cần giải cứu thì giá trị sẽ không cao và không ưu tiên sử dụng.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market cho rằng, nhu cầu ở trong dân là rất lớn, quan trọng là khâu kết nối cung cầu, không nên sử dụng cụm từ “giải cứu” mà nên có các phương án dài hạn. Cùng với việc hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp, người nông dân để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước, MM Mega cũng luôn quan tâm tới các thị trường xuất khẩu trên hệ thống sang Thái Lan, Singapore…

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thẳng Hải khẳng định việc tiêu thụ sản phẩm phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Hiện nay việc chung tay tiêu thụ sản phẩm là quan trọng, bởi mùa vải và nhiều sản phẩm trái cây khác chuẩn bị vào vụ, nên cần chung tay để thúc đẩy tiêu thụ. Chủ động tiêu thụ hàng hoá, tránh trường hợp giải cứu.

Ông Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương cần phải cung cấp thông tin cụ thể sản lượng, chất lượng và thời điểm để có kết nối cung cầu cho phù hợp, tập hợp đầu mối thông tin tại Vụ thị trường trong nước, liên hệ qua các đầu mối để có kết nối nhanh nhất với từng sản phẩm, tránh thủ tục rườm rà. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị đầu mối của Bộ như Vụ Thị trường trong nước, Cục xuất nhập khẩu và các cục, vụ thương mại ngoài nước tăng cường kết nối với các địa phương, các doanh nghiệp để có thể kết nối thuận lợi trong tiêu thụ, đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng, của người dân cả trong trước mắt và lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuất khẩu nông sản trước việc lùi thời gian thông quan do dịch nCoV
Xuất khẩu nông sản trước việc lùi thời gian thông quan do dịch nCoV

VOV.VN - Đến sáng 9/2, tại bến xe Tân Thanh, cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) vẫn còn trên 180 xe container thanh long đang cố bám trụ lại.

Xuất khẩu nông sản trước việc lùi thời gian thông quan do dịch nCoV

Xuất khẩu nông sản trước việc lùi thời gian thông quan do dịch nCoV

VOV.VN - Đến sáng 9/2, tại bến xe Tân Thanh, cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) vẫn còn trên 180 xe container thanh long đang cố bám trụ lại.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn vì dịch nCoV
Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn vì dịch nCoV

VOV.VN -Xuất khẩu nông sản khó khăn vì Trung Quốc ngừng trao đổi hàng hóa; nhiều DN có nguyên liệu sản xuất khẩu trang... là những tin kinh tế nổi bật 24h qua.

Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn vì dịch nCoV

Xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn vì dịch nCoV

VOV.VN -Xuất khẩu nông sản khó khăn vì Trung Quốc ngừng trao đổi hàng hóa; nhiều DN có nguyên liệu sản xuất khẩu trang... là những tin kinh tế nổi bật 24h qua.

Lại phải “giải cứu” nông sản vì nCoV
Lại phải “giải cứu” nông sản vì nCoV

VOV.VN - Khó khăn xuất khẩu nông sản do tác động của dịch nCoV gây ra, nhưng tiêu thụ tại thị trường trong nước lúc này vẫn chỉ là giải pháp tình thế.

Lại phải “giải cứu” nông sản vì nCoV

Lại phải “giải cứu” nông sản vì nCoV

VOV.VN - Khó khăn xuất khẩu nông sản do tác động của dịch nCoV gây ra, nhưng tiêu thụ tại thị trường trong nước lúc này vẫn chỉ là giải pháp tình thế.