Tiêu thụ nông sản: Doanh nghiệp và nông dân phải chủ động?
VOV.VN-Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Doanh nghiệp, nhất là thương lái có vai trò quan trọng trong định hướng thị trường, tìm đầu ra cho nông sản.
Tình trạng dưa hấu rớt giá thảm hại trong nước và đưa đi xuất khẩu thì ùn ứ, tắc nghẽn tại cửa khẩu thời gian gần đây gây bức xúc cho dư luận và thiệt hại nhiều cho bà con nông dân. Đây chỉ là một ví dụ cụ thể cho những bất cập trong tiêu thụ nông sản Việt Nam hiện nay.
Do sản xuất cá thể, không có sự điều tiết
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian cuối tháng 3/2014 rộ lên tình trạng ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), là câu chuyện liên quan đến rất nhiều vấn đề về sản xuất của bà con nông dân và việc tiêu thụ nông sản.
Nửa cuối tháng 3/2014, dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn |
Ông Hải phân tích: Năm trước cũng có chuyện về dưa hấu, nhưng năm nay câu chuyện nóng hơn, bức xúc hơn. Xảy ra tình trạng này, có vấn đề về khâu quản lý chưa được hoàn thiện.
Trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng này, ông Hải cho là: Về khách quan, mặt hàng dưa hấu mới được đưa vào diện xuất khẩu do bà con nông dân một số tỉnh miền Trung và miền Nam thấy đây là loại quả trồng khá dễ, thu hoạch rất tốt. Qua một số vụ vừa qua, nông dân thấy giá dưa hấu, đặc biệt là dưa xuất sang Trung Quốc được giá tốt, nên bà con tăng diện tích trồng ồ ạt. Năm 2014, khí hậu thuận lợi, sản lượng dưa hấu càng tăng mạnh.
Do đó, vì bà con nông dân sản xuất quy mô cá thể, không có sự điều tiết nào cả. Cho nên, sản lượng dưa tăng đột biến, trong khi đó khả năng tiêu thụ tại thị trường trong nước hạn chế. Khi bà con nghe tin đưa dưa lên biên giới bán sẽ được giá tốt hơn, nên đã ồ ạt đưa lên biên giới. Khi tới biên giới mới đợi tìm hợp đồng. Vì thế, rất dễ bị ép giá hoặc hàng nhiều dồn ứ gây hư hỏng.
Nguyên nhân nữa, cũng giống như nhiều nông sản khác, ông Hải cho là do nông sản thu hoạch theo vụ tập trung trong thời gian ngắn, trong khi đó Việt Nam chưa làm tốt khâu chế biến, bảo quản. Các sản phẩm công nghiệp khác, khi chưa tiêu thụ được, có thể lưu kho, chờ giá thuận lợi sẽ bán. Nhưng nông sản phải tiêu thụ ngay trong thời gian ngắn, nếu không sẽ hư hỏng, kém phẩm chất, thậm chí phải đổ đi.
Một nguyên nhân quan trọng khác, do chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc làm cho thương nhân Trung Quốc chỉ mua hàng này tại cửa khẩu Tân Thanh, gây hạn chế cho phía Việt Nam trong việc giải phóng hàng.
Cần xây dựng hệ thống kho bãi trung chuyển nông sản
Về giải pháp, ông Hải đề xuất: Vừa qua, Bộ Công Thương đã thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phối hợp với chính quyền nước bạn, tạo điều kiện thông thoáng đưa dưa hấu Việt Nam sang thuận lợi hơn. Bộ cũng đã cử người tăng cường lên cửa khẩu để tăng khả năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho dưa hấu... Tình trạng ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu hiện đã chấm dứt.
Vừa qua, dưa hấu rớt giá, khó tiêu thụ, nông dân phải đổ cả dưa cho trâu bò ăn (Ảnh: VnExpress) |
Trong tương lai, ông Hải cho rằng, cần các giải pháp có tính chuẩn bị, đón đầu. Đó là, một mặt tuyên truyền để bà con nông dân điều tiết đưa dưa hấu lên cửa khẩu. Đó là không đưa lên mọi loại dưa, cần phân loại ngay trong nước. Bởi vì sang biên giới, phía Trung Quốc chỉ chọn mua dưa loại 1, loại 2. Có phân loại trước sẽ tránh tình trạng đưa lên lại không tiêu thụ được. Về điểm này, Nhà nước cần có trách nhiệm thông tin, truyên truyền rõ hơn cho bà con nông dân, thương nhân biết và thực hiện.
Về trung hạn, dài hạn, ông Hải cho rằng, phía Việt Nam cần đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi tại khu vực cửa khẩu để làm nơi trung chuyển. Trong thời gian nông sản chưa thể giải phóng hàng nhanh, sẽ có kho bãi, tránh ách tắc phương tiện, có điều kiện bảo quản chất lượng hàng hóa tốt hơn. Đây là giải pháp cấp bách, có thể làm.
Dài hạn hơn nữa, Việt Nam cần xây dựng trung tâm thu mua và phân phối nông sản, với điều kiện bảo quản tốt, đó là có khó lạnh, như một số nước đã làm. Nếu ở miền Bắc có vài trung tâm như vậy thì sẽ tốt cho nông sản. "Tất nhiên, đây là vấn đề liên quan đến kinh phí, nên cần chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài, xã hội hóa đầu tư" - ông Hải nói.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ tăng cường phối hợp đàm phán với phía Trung Quốc để có chính sách thương mại biên giới phù hợp hơn, tạo thuận lợi cho cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc.
Tìm đầu ra cho nông sản: Doanh nghiệp, thương lái có vai trò quan trọng
Liên quan đến câu chuyện sản xuất và tiêu thụ nông sản còn bất cập, trong đó câu chuyện của dưa hấu thời gian qua là một ví dụ, báo giới đặt vấn đề rằng, lâu nay nói đến tiêu thụ nông sản gặp khó, thường có nguyên nhân do sản xuất thiếu kế hoạch. Do đó, vấn đề đặt ra là, trong kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ, Bộ Công Thương đã có nghiên cứu về sức tiêu thụ từng loại nông sản hay chưa? Đơn cử như với dưa hấu, sức tiêu thụ tại thị trường nội địa như thế nào? Và ngoài thị trường Trung Quốc, cơ hội cho nông sản Việt Nam tại các thị trường cụ thể khác như thế nào, nhất là thị trường trong khu vực ASEAN?
Ông Trần Thanh Hải khẳng định: hiện nay, các cơ quan nhà nước đã có những nghiên cứu như thế, nhưng còn rất hạn chế. Bộ Công Thương và Bộ NN- PTNT đã đưa ra đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên xuất khẩu nông sản, trừ mặt hàng gạo đã có truyền thống, còn một số mặt hàng khác còn mới. Nghiên cứu về thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn chưa đầy đủ.
Trong số các biện pháp ngành công thương đang nghĩ đến, ông Hải cho biết: Đó là sẽ dành kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia để thuê các nhà tư vấn nằm tại Trung Quốc hoặc của Trung Quốc nghiên cứu để đưa ra cho Việt Nam những tư vấn phương hướng thâm nhập thị trường này.
Vấn đề về kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói thêm rằng: “Chúng ta đang theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, đã gọi là kinh tế thị trường thì phải ưu tiên theo thị trường. Nếu chúng ta nói nhiều quá đến kế hoạch có khi lại quay lại thời bao cấp ngày xưa. Theo đúng kinh tế thị trường, từ những nước đang phát triển nhất (Mỹ, EU...) chủ yếu do người nông dân và các doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn đang ở mức phát triển thấp hơn nên trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp.
Nhưng rõ ràng, năm nay có thể là vấn đề của dưa hấu, sang năm có thể lại là mặt hàng khác, chứ không phải tất cả chúng ta đều có thể dự báo được. Đương nhiên chúng ta cần thông tin, dự báo, nhưng quan trọng hơn là các doanh nghiệp, nhất là thương lái đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng thị trường, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam”./.