Tìm đầu ra cho cây đước - ngành hàng chủ lực của Cà Mau
VOV.VN - Trước đây mỗi chu kỳ khai thác cây đước đã giúp nhiều hộ dân xây nhà cửa khang trang thì nay bà con đang đứng ngồi không yên trước đầu ra khó khăn của cây đước.
Nghề trồng cây đước là một trong 3 ngành hàng chủ lực của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên thời gian qua, đầu ra cây đước gặp khó khăn nên giá liên tục giảm. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân gắn bó với nghề trồng rừng trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đang có hàng ngàn hộ dân gắn bó với nghề nuôi tôm kết hợp trồng rừng sản xuất. Mỗi chu kỳ trồng rừng đước kéo dài đến 15 năm. Nếu năm 2018, cây đước có giá 1 triệu đồng/ster củi (1 ster bằng 0,7 m3 gỗ) thì hiện nay chỉ còn khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ster củi. 1 ha rừng đước có thể đạt năng suất khoảng 400 ster củi. Trước đây, mỗi chu kỳ khai thác cây đước đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xây nhà cửa khang trang thì nay bà con đang đứng ngồi không yên trước đầu ra của cây đước.
Ông Tô Văn Dưng, người dân xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) cho biết, giá cây đang xuống rất thấp so với mấy năm trước. Bà con đã đăng ký khai thác thì buộc lòng phải khai thác nên ảnh hưởng rất lớn. “Giá cây hiện nay đang xuống thấp nhưng vấn đề khó nhất vẫn là lãi vay vốn ngân hàng. Bà con trồng đước mười mấy năm để tích lũy lại, chỉ mong cây nhiều, giá cao nhưng giá đước đang thấp hơn phân nửa”, ông Dưng cho hay.
Theo người dân địa phương, cây đước chủ yếu được khai thác để cung cấp cho nghề hầm than. Nhu cầu của nghề hầm than tại chỗ không quá lớn nên giá cây đước đã giảm dần vài năm qua. Tuy nhiên, người dân nhận giao khoán vẫn phải trồng đủ diện tích rừng theo quy định.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu về than giảm, kéo theo đầu ra cây đước lại khó khăn hơn. Tới chu kỳ khai thác rừng, bà con lại phải có phương án được cơ quan chức năng phê duyệt mới có thể khai thác nên không thể chủ động.
Ông Tạ Minh Mẫn, Phó Trưởng Ban quản lý rừng Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết, để việc khai thác đước diễn ra thuận lợi, vào cuối năm trước bà con phải làm đơn đăng ký khai thác. Trong quá trình tổ chức khai thác, người dân được tham gia đấu thầu để định giá bán lâm sản với nhà thầu được chỉ định bởi Ban quản lý. Năm nay giá lâm sản giảm thê thảm, giảm khoảng 50% so với năm 2018. Mặc dù giá cây đước giảm mạnh nhưng để đảm bảo diện tích rừng tái sinh, nhiều hộ dân đành bấm bụng chịu lỗ, khai thác nhưng họ không tìm được nhà thầu thu mua.
“Đến kỳ khai thác đước bà con ai cũng mừng và nói chung mấy năm trước đước bán được giá cao nên bà con ai cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên gần đây giá cây sụt nghiêm trọng nhưng bà con ai cũng phải trồng rừng đảm bảo theo quy định nhà nước nhưng giá bán quá thấp, cộng với dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến cuộc sống của bà con rất khó khăn. Năm nay tôi đăng ký khai thác rồi mà kiếm người mua vẫn chưa được. Có người lại xem rồi bỏ đi không hứa hẹn, không quay trở lại”, ông Văn Công Tỏ, người dân xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển chia sẻ.
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển nêu rõ: Gỗ đước là một trong 3 ngành hàng chủ lực của địa phương. Để giải quyết bài toán đầu ra của cây đước về lâu dài, địa phương đã kêu gọi một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến than hoạt chất trên địa bàn.
"Để giải quyết vấn đề trước mắt, địa phương cũng đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu, cùng chung tay để có thể hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn", ông Trần Hoàng Lạc nói./.