Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu tại khu vực Á-Âu
VOV.VN - Sáng 24/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam - Á Âu với chủ đề “Thích ứng bối cảnh - Khai phá tiềm năng”. Tại Diễn đàn, các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin về các xu hướng chính sách, nhu cầu và cơ hội hợp tác, kinh nghiệm tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường khu vực Á Âu.
Khu vực Á – Âu là thị trường truyền thống của Việt Nam và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa hợp tác. Đây là liên khu vực gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, dân số hơn 400 triệu người và tổng GDP gần 4.500 tỷ USD.
Về hợp tác thương mại Việt Nam - Á Âu, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường, thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á Âu đạt hơn 13 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu giảm hơn 13%, nhập khẩu giảm gần 3% so với cùng kỳ năm 2021.
9 tháng năm 2023, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu đạt 9 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này hơn 6 tỷ USD; nhập khẩu đạt gần 3 tỷ USD.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù giao thương hàng hóa giữa hai bên sụt giảm trong thời gian qua nhưng khu vực Á Âu vẫn là một thị trường giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Linh: "Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Á Âu chỉ chiếm khoảng 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này. Các dự án đầu tư từ khu vực Á Âu hiện chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy còn một dung lượng thị trường rất lớn cho doanh nghiệp của cả hai bên tham gia vào thị trường của nhau.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để tận dụng những dư địa hợp tác với các nước trong khu vực Á Âu. Tuy nhiên, để cụ thể hóa những cơ hội này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn thì việc nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật chính sách của khu vực cũng như tối ưu hóa các giải pháp marketing, thanh toán, vận tải cần được doanh nghiệp hết sức chú trọng".
Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương tại Khu vực Á Âu, sẽ tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, các Cơ quan đại diện thương mại của các nước trong khu vực, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng cơ hội hợp tác mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giao thương, tiếp tục hoàn thiện và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung và thị trường khu vực Á - Âu nói riêng.