Tín dụng tháng 6 tăng trưởng mạnh, vì sao?
VOV.VN - Tín dụng trong tháng 6/2019 tăng trưởng mạnh là do yếu tố thời vụ và một số ngân hàng đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, “nhỉnh” hơn một chút so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực với sự đóng góp tăng trưởng cao từ lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo và xuất khẩu.
Trước đó, theo cập nhật của đơn vị này, tăng trưởng tín dụng đến 10/6 đạt 5,75%, đến ngày 18/6 là 6,22% và đến hết tháng 6 là 7,33%. Như vậy có thể thấy, con số đạt được 7,33% là rất ấn tượng, thể hiện sự tăng tốc đáng kể trong nửa cuối tháng 6/2019.
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,33%. (Ảnh minh họa: KT) |
Lý giải vì sao tín dụng tháng 6 vừa qua lại tăng trưởng nhanh và mạnh, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho biết, lý do thứ nhất là do yếu tố thời vụ. Thường vào cuối mỗi quý, nhất là cuối giai đoạn 6 tháng đầu năm, các ngân hàng, doanh nghiệp đi vay sẽ chốt hợp đồng, sổ sách để đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh nửa năm, làm cơ sở phát triển cho 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết phải kiểm toán báo cáo tài chính. Do đó kết quả của 6 tháng là rất quan trọng đối với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Một lý do nữa mà ông Lực đưa ra đó là, trong quý 2 vừa qua, một số ngân hàng đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Thực hiện theo cam kết đưa ra trước đó, NHNN đã cấp thêm quota cho các ngân hàng. Thêm vào đó, các ngân hàng đã sẵn sàng tín dụng nên khi được cấp thêm quota là họ đẩy luôn tín dụng ra thị trường.
Ông Lực cũng nhấn mạnh, mức 7,33% đạt được trong 6 tháng chỉ nhỉnh hơn chút so với cùng kỳ năm trước nên không đáng quan ngại hay phải kiểm soát bớt, bởi nó phù hợp diễn biến hiện nay và mục tiêu của cả năm 2019.
Nhiều người tỏ ra quan ngại, tín dụng đang tăng trưởng tốt hơn cả huy động vốn, vậy áp lực hút vốn của các ngân hàng 6 tháng cuối năm có tiếp tục tăng? TS. Cấn Văn Lực cho hay: “Về thanh khoản thì hiện vẫn rất tốt, không có áp lực lớn khiến các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng sẽ bị áp lực huy động vốn ở kỳ hạn trung và dài hạn vẫn tiếp tục tăng lên bởi hệ thống đang phải theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, cùng với đó là để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn basel II”./.
Hết tháng 5, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017