Tín hiệu vui từ cây cao su trên vùng đất Sơn La

VOV.VN - Sau 10 năm trồng và chăm sóc, đến nay cây cao su đã cho thu hoạch đưa đến một tương lai mới, cuộc sống mới cho người dân Sơn La.
 

Sau 10 năm cây cao su bén rễ, phát triển trên mảnh đất Sơn La, đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Gần 7.000 hộ dân góp đất trồng cao su đã có thu nhập từ những tấn mủ đầu tiên. Những hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn, từ những cánh rừng cao su đang lan tỏa ở nhiều bản mường Sơn La.

Sáng nào cũng vậy, chị Lò Thị En và các công nhân thuộc đội cao su ở bản Phiêng Tìn, xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La có mặt trên vườn cao su từ rất sớm để cạo mủ. Từ năm 2016, khi những gốc cao su đầu tiên cho thu hoạch, chị En và gần 200 công nhân trong đội lúc nào cũng có việc làm và thu nhập ổn định.

Chị Lò Thị En

Chị En là một trong những công nhân được công ty hỗ trợ khi chị bị bệnh hiểm nghèo, mỗi lần đi điều trị, công ty hỗ trợ đến 10 triệu đồng từ quỹ bệnh nhân nghèo của công ty. Rất may, căn bệnh của chị ở giai đoạn đầu nên sau khi được hỗ trợ đi điều trị tích cực, chị đã khỏi bệnh và đi làm ổn định. Giờ đây, vườn cao su đã cho thu hoạch mủ, với mức lương ổn định, chị En rất phấn khởi.

"Trước cây cao su chưa cho mủ, thu nhập của công nhân 1 tháng từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, cây cao su đã cho mủ nên thu nhập tăng lên từ 3 - 5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, công nhân của công ty yên tâm và sẽ gắn bó lâu dài với cây cao su”, chị En cho biết.

Thời điểm cây cao su khép tán là quãng thời gian nhiều công nhân có thu nhập thấp do số ngày công ít. Tính trước được điều này, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã hỗ trợ những gia đình công nhân khó khăn vay vốn 5,4 triệu đồng không tính lãi để nuôi bò nhốt chuồng và trồng cỏ dưới tán cao su. Nhờ vậy, gia đình anh Lù Văn Khởi cùng hơn 1.200 công nhân ở các đội cao su trong toàn tỉnh đã có thu nhập khá.

Công nhân cạo mủ cao su

Anh Lù Văn Khởi - Nông trường cao su Châu Quỳnh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết, trước kia chưa trồng cao su, gia đình trồng ngô trồng sắn, thu nhập bấp bênh. Hiện tại cây cao su đã cho khai thác, gia đình có thu nhập ổn định. “Hiện 2 vợ chồng nhận khai thác 1.000 cây, thu nhập tháng cao nhất tầm 6 triệu đồng. Với mức lương hiện tại cùng với nuôi bò cũng giúp gia đình ổn định kinh tế và nuôi con ăn học”, anh Khởi cho hay.

Không chỉ có thu nhập ổn định từ khai thác mủ cao su, nhiều công nhân ở các đội cao su đã có thêm thu nhập từ nghề nuôi ong dưới tán cao su. Công ty cổ phần cao su Sơn La cũng đã có đơn đặt hàng đầu tiên từ Hàn Quốc đối với sản phẩm mật ong cao su.

Anh Hoàng Liên Sơn - Đội trưởng đội cao su Ít Ong, Công ty Cổ phần cao su Sơn La cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, nuôi ong đã cho thu hơn 1 tấn mật cùng 2 tạ phấn, cộng lại sau 5 tháng nuôi, gia đình có thu nhập gần 100 triệu đồng. Với triển vọng này, 1 lứa ong trong 1 năm sẽ cho thu từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi đàn.

Kiểm tra đàn ong được nuôi dưới tán vườn cao su

Tại tỉnh Sơn La, trong số 6.000 ha cao su đến nay đã có gần 1.000 ha cho khai thác mủ. Năm 2016, diện tích 150 ha cao sủ đầu tiên cho thu hoạch  được 300 tấn mủ đông, vượt 170% kế hoạch tập đoàn cao su giao. Còn năm 2017, số diện tích cho khai thác đã tăng 914 ha, sản lượng mủ đã đạt 1.500 tấn mủ đông, vượt 37,5% kế hoạch giao. 

Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La cho biết, được sự chấp thuận của Tập đoàn cao su và tỉnh Sơn La, công ty đang triển khai xây dựng nhà máy ở Tông Lạnh, Thuận Châu với công suất 9.000 tấn/năm.

“Từ tháng 6/2018 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, với năng suất và chất lượng đảm bảo, công ty tin rằng, thời gian tới đây khi cây cao su đi vào khai thác nhiều, công nhân sẽ có thêm việc làm, đời sống của người công nhân sẽ tốt hơn”, ông Quý cho biết. 

Xe vận chuyển mủ cao su tại vườn

Dự kiến năm 2018, Công ty cổ phần Cao su Sơn La sẽ đưa vào khai thác mủ 2.600 ha cao su, tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 100% người lao động đã góp đất trồng cao su, nhân thêm những niềm hy vọng về loại cây công nghiệp đa mục tiêu trên mảnh đất Sơn La.

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, việc trồng cây cao su giúp tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo sinh thái môi trường rừng, từ đó hạn chế được tình trạng cháy rừng, lũ ống lũ quét xảy ra vào mùa mưa lũ.

“Sản phẩm chủ yếu của cây cao su là mủ, còn gọi là vàng trắng, ngoài ra gỗ cây cao su còn là nguồn thu đáng kể cho người dân. Cây cao su đang mở ra triển vọng mới, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La”, ông Minh quả quyết.

Những rừng cao su bạt ngàn, xanh mướt, cùng tiếng cười nói râm ran của công nhân khi cạo mủ cao su, tiếng trẻ em ríu rít trong các lớp học cạnh những vườn cao su cho thấy, một tương lai mới, một cuộc sống mới no ấm hơn đang hiện hữu trên vùng đất cao su Sơn La./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nơi heo hút, trồng 10ha cao su, 5ha cà phê và thành tỷ phú
Nơi heo hút, trồng 10ha cao su, 5ha cà phê và thành tỷ phú

Giấc mơ tỷ phú của "lão nông" Nguyễn Đình Phượng trên vùng đất heo hút mang tên Đăk Kan (Kon Tum) đã thành hiện thực.

Nơi heo hút, trồng 10ha cao su, 5ha cà phê và thành tỷ phú

Nơi heo hút, trồng 10ha cao su, 5ha cà phê và thành tỷ phú

Giấc mơ tỷ phú của "lão nông" Nguyễn Đình Phượng trên vùng đất heo hút mang tên Đăk Kan (Kon Tum) đã thành hiện thực.

Đại gia Việt chi hơn 4 tỷ USD trồng cao su, nuôi bò tại Lào, Campuchia
Đại gia Việt chi hơn 4 tỷ USD trồng cao su, nuôi bò tại Lào, Campuchia

Một nửa trong số vốn mà các doanh nghiệp Việt đầu tư sang Lào, Campuchia là trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu trồng cao su, mía đường, nuôi bò…

Đại gia Việt chi hơn 4 tỷ USD trồng cao su, nuôi bò tại Lào, Campuchia

Đại gia Việt chi hơn 4 tỷ USD trồng cao su, nuôi bò tại Lào, Campuchia

Một nửa trong số vốn mà các doanh nghiệp Việt đầu tư sang Lào, Campuchia là trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu trồng cao su, mía đường, nuôi bò…

Hình ảnh cao su Tây Bắc chậm khai thác khiến người dân lo lắng
Hình ảnh cao su Tây Bắc chậm khai thác khiến người dân lo lắng

VOV.VN - Các công ty cao su chưa tổ chức khai thác cao su nên người dân không có việc làm, khiến chính quyền địa phương và bà con rất lo lắng.

Hình ảnh cao su Tây Bắc chậm khai thác khiến người dân lo lắng

Hình ảnh cao su Tây Bắc chậm khai thác khiến người dân lo lắng

VOV.VN - Các công ty cao su chưa tổ chức khai thác cao su nên người dân không có việc làm, khiến chính quyền địa phương và bà con rất lo lắng.