Tỉnh táo với khuyến mãi, bán hàng trả góp

Cùng với việc tìm hiểu giá cả, NTD cũng nên kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa.

Để thu hút khách, nhiều doanh nghiệp đã tung ra các hình thức khuyến mãi giảm giá, bán hàng trả góp khá hấp dẫn. Nguồn lợi thu được từ các chiêu khuyến mãi này đã khiến các nhà sản xuất không ngừng “sáng chế” ra các chiêu thức mới để “câu kéo” khách hàng. Và không ít người tiêu dùng đã bị “hớ” khi không tìm hiểu kỹ các chương trình này.

Nở rộ dịch vụ bán hàng trả góp

Trên thị trường Hà Nội hiện nay, nhiều công ty, cửa hàng, siêu thị điện máy đã không ngần ngại tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá "khủng" và bán hàng trả góp không lãi suất. Siêu thị BigC từ ngày 23 - 29/3 giảm 39% giá một số mặt hàng. Siêu thị Media mart với “Tháng bán hàng không lợi nhuận” từ 19-25/3. Công ty CP Cao su Kymdan tung ra chương trình bán hàng trả góp không lãi suất từ ngày 19/3 - 30/9, thời gian trả góp từ 3 đến 6 tháng, mỗi tháng trả 1 lần, tùy thuộc số tiền trả trước và tùy thuộc thời điểm mua hàng của khách hàng. Khách hàng trả trước số tiền càng nhiều thì được hưởng thời gian trả góp càng dài.

Với những khách hàng có nhu cầu mua xe máy cũng có thể mua hàng trả góp tại cửa hàng xe máy Kường Ngân, 50A Trần Nhân Tông (Hà Nội). Công ty máy tính Trần Anh, Công ty máy tính viễn thông An Khang cũng có chương trình bán máy tính xách tay trả góp trong thời hạn 24 tháng với lãi suất mỗi tháng chỉ vài chục nghìn đồng. Khách hàng có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng trở lên đủ điều kiện để mua hàng trả góp.

Theo lý giải của các chủ cửa hàng, việc khuyến mãi, giảm giá hay bán hàng trả góp được coi là biện pháp hữu hiệu nhằm kích thích sức tiêu thụ của thị trường. Nhất là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng cao, NTD có xu hướng hạn chế mua sắm những mặt hàng không thiết yếu để tập trung cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Đây cũng là cơ hội để NTD không có nhiều tiền nhưng vẫn được sở hữu những sản phẩm tốt.

Cẩn thận kẻo bị "hớ"

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít NTD đã bị "hớ" khi mua hàng khuyến mãi hay trả góp. Chị Huệ ở Cầu Giấy kể: “Vợ chồng tôi thu nhập thấp, lại đang trong thời kỳ “bão” giá, cái gì cũng đắt nên quyết định mua một chiếc tủ lạnh Sharp 194L theo hình thức trả góp với giá 5.990.000 đồng tại một cửa hàng điện máy. Vài hôm sau, chị bạn cùng cơ quan rủ đi siêu thị, tôi tá hỏa khi thấy chiếc tủ lạnh ở đó giá chỉ 4.590.000đ. Khi tôi quay trở lại thắc mắc thì nhân viên bán hàng giải thích là giá đó đã cộng vào chi phí vận chuyển và làm thủ tục trả góp”. Trường hợp không tìm hiểu trước về giá cả nên đã bị mua hàng với giá “cắt cổ” như chị Huệ không phải là ít. Khi phát hiện là mình mua “hớ”, NTD đến nơi bán hàng phản ánh thì lúc ấy đã muộn.

Quy định của Bộ Công thương, kết thúc đợt khuyến mãi, đặc biệt là các chương trình bốc thăm trúng thưởng, doanh nghiệp phải thống kê và thông báo đến khách hàng, nếu quà tặng trúng thưởng không có khách trúng hết thì phải nộp 50% giá trị vào Kho bạc Nhà nước. Nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện đúng điều này. Hiện, Bộ Công thương chưa thể thống kê được giá hàng nghìn mặt hàng trước khuyến mãi để biết được thực chất NTD được hưởng chênh lệch về giá khuyến mãi là bao nhiêu.

Theo các chuyên gia, thông thường những mặt hàng trả góp hay khuyến mãi sẽ có giá cao hơn giá thị trường. Nên trước khi quyết định mua hàng, NTD nên tham khảo những mặt hàng tương tự, tại nhiều cửa hàng khác nhau và so sánh xem mức giá nơi mình định mua có hợp lý hay không. Nếu cửa hàng bán với giá quá cao thì NTD cũng nên cân nhắc và có thể lựa chọn điểm bán trả góp, khuyến mãi khác.

Ngoài việc tìm hiểu giá cả, NTD cũng nên kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa. Nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu, đặc biệt là chế độ bảo hành sản phẩm. Theo kinh nghiệm của những người am hiểu về lĩnh vực điện máy, khách hàng nên lựa chọn những cửa hàng lớn, có uy tín để mua hàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên