Tổ hợp tác, hợp tác xã đang chứng tỏ là mô hình hiệu quả để tiêu thụ nông sản
VOV.VN - Tham gia Tổ hợp tác, HTX để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, để hỗ trợ nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động tư vấn, hướng dẫn thành lập gần 15.800 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, có hơn 2.500 hợp tác xã hợp tác xã (HTX); hơn 13.200 tổ hợp tác, hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động trên 5.000 DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả...
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị viễn thông xây dựng sàn thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy, tăng giá trị trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân còn liên kết với các DN, các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết gần 10.000 hợp đồng tiêu thụ nông sản, với trị giá hơn 5.000 tỷ đồng…
Tại Hội thảo "Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng, để sản xuất thành công và mang lại lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, cách tốt nhất là nông dân phải tham gia tổ hợp tác, HTX. Trong Tổ hợp tác, HTX nông dân phải hợp tác thật sự, liên kết và giữ uy tín thật sự; các nông dân phải hỗ trợ nhau, trên cơ sở hỗ trợ của những nhà nông chuyên nghiệp.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, đã đến lúc nông dân không thể sản xuất tự phát, không thể sản xuất theo dạng có gì bán đó, mù mờ thông tin thị trường mà phải thay đổi. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và DN.
Bà Vân cũng phân tích sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng; việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong sản xuất.
“Hoạt động liên kết như là sự nối tiếp tiếng nói của diễn đàn để kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua chủ đề "Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân”. Trong đó đặt vai trò của Hội Nông dân có vai trò kết nối các nhà khoa học, DN và những người sẽ đem sản phẩm của nông dân đi xa hơn… đặc biệt là những nhà nông, những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Chúng ta không còn con đường nào khác là phải liên kết, hợp tác thực sự và tuân thủ đúng quy trình cũng như giữ uy tín thật sự”, bà Vân đề cập.
Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, những năm qua, các HTX ở An Giang đã thể hiện tốt vai trò cùng với chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở những nơi có HTX hoạt động, nhìn chung, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa, HTX còn là đầu mối quan trọng cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho thành viên HTX và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Phát huy vai trò tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của HTX là chỉ tiêu định hướng của tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế, qua đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn mà còn làm thay đổi nhận thức của nhiều nông dân về vai trò của HTX trong giai đoạn phát triển mới./.