Tỏi Lý Sơn đã có chỉ dẫn địa lý
VOV.VN-Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn" cơ bản hoàn thành. Tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Mặc dù được công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ nhưng hơn 10 năm qua, tỏi Lý Sơn chưa được nhận diện về nguồn gốc, xuất xứ, cũng như trang bị hệ thống tem nhãn đầy đủ.
Gần đây, hiện tượng tỏi trồng ở các nơi khác được bán với tên tỏi Lý Sơn diễn ra khá phổ biến. 2 năm qua, UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, Viện Môi trường - Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam và Công ty Sở hữu trí tuệ Quốc tế T&T Invenmark triển khai đề án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn”.
Logo Chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. |
Theo đó, sản phẩm tỏi nguyên củ mang chỉ dẫn địa lý Lý Sơn có đặc điểm với 3 chỉ số đặc thù về hình thái, gồm: củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 gram/củ, chiều cao trung bình khoảng 2,6 cm, đường kính củ trung bình khoảng 2,5cm. Ngoài ra, đặc điểm nhận dạng gồm vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi, thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh; mùi thơm dịu không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi.
Ông Dương Giáp, một nông dân ở thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn vui mừng khi sau bao năm chờ đợi, tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý:“Tỏi Lý Sơn bây giờ có chỉ dẫn địa lý, người dân an tâm làm, không còn lo lắng giá cả bấp bênh như các năm trước. Tôi hy vọng tỏi Lý Sơn sẽ ngày càng phát triển hơn”.
Tỏi Lý Sơn có Chỉ dẫn địa lý góp phần chấm dứt tình cảnh bảo vệ thương hiệu tỏi kém bền vững trong thời gian qua. |
Lý Sơn được ví là “Vương quốc tỏi”, với 58% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, mỗi năm sản xuất trên 330ha tỏi, cung ứng cho thị trường khoảng 2.500 tấn tỏi củ. Tỏi Lý Sơn được xác lập và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý các tình huống mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra. Việc được bảo vệ thương hiệu cũng sẽ nâng cao giá trị, giá thành của tỏi Lý Sơn, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng tỏi trên đảo.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, địa phương sẽ hoàn thiện các quy chế, thành lập Ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý; đồng thời giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn.
“Bước tiếp theo là phải xây dựng truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở Chỉ dẫn địa lý thì truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo tất cả các nội dung liên quan đến Chỉ dẫn địa lý đối với tỏi Lý Sơn. Lúc này thì giá trị sản phẩm tỏi Lý Sơn sẽ cao hơn, không chỉ hướng đến người tiêu dùng trong nước mà còn ở nước ngoài”, bà Phạm Thị Hương cho biết./.