Tôm chết hàng loạt, nông dân mất tiền tỉ

Gần 1 tuần này, hàng trăm ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú hơn 1 tháng tuổi ở huyện Tuy An (Phú Yên) bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Vụ nuôi năm 2012, nông dân huyện Tuy An thả nuôi hơn 480ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nhưng đến thời điểm này, đã có khoảng 193ha tôm chết, nhiều nhất là xã An Hòa với 40ha bị mất trắng.

Theo ông Nguyễn Hữu Sáu - Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cuối tháng 7 trên địa bàn huyện chỉ có hơn 6ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú chết vì nhiễm bệnh thì hơn 1 tuần qua, tôm chết hàng loạt xảy ra ở hầu hết các hồ nuôi, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao, trong khi đó phòng nông nghiệp huyện vẫn chưa xác định được các nguyên nhân gây tôm chết.

Hồ tôm của anh Bùi Văn Đủ ở thôn Tân An chết sạch, trơ đáy, đành tháo máy móc chở về nhà

Ông Bùi Văn Đủ, chủ 4 hồ nuôi tôm trơ đáy ở thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Tuy An rầu rĩ: “Vụ này tôi thả nuôi trên diện tích 1,5ha, tôm được hơn 1 tháng tuổi, bỗng dưng nổi đỏ đìa chỉ trong vòng 3 ngày. Đem bán đổ bán tháo cho thương lái, vớt vát được vỏn vẹn 70 triệu đồng. Nếu tôm không chết, hai tháng nữa xuất bán, với giá 83.000 đồng/kg (100 con), cũng lãi hơn 1 tỉ đồng, nhưng giờ xem như trắng tay".

Liền kề hộ ông Bùi Văn Đủ là hai hồ nuôi tôm có diện tích gần 1ha của anh Nguyễn Văn Thông cũng lâm vào cảnh tương tự. Một hồ chết gần hết, hồ còn lại, anh Thông phải chạy máy sục khí liên tục cả ngày lẫn đêm, hy vọng cứu vớt phần nào nhưng tỷ lệ tôm "rớt đáy" đến nay đã quá 30%.

Theo nhiều người nuôi tôm lâu năm ở xã An Hòa, tôm chết hàng loạt có thể là do bệnh đỏ than. Trong khi đó theo bà Phạm Thị Thùy Lê - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, rất có thể, tôm chết hàng loạt là do nhiễm bệnh viên gan tụy, tuy nhiên, hiện Cục Thú y vẫn chưa có phác đồ điều trị bệnh này.

Trước mắc, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai phun thuốc tiệt trùng, đồng thời khoang vùng khống chế dịch không để lây lan sang diện tích còn lại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên