Tồn kho đường tăng phi mã
(VOV) -Đến đầu quý II/2013, lượng đường tồn kho lên đến hơn 600.000 tấn, so cùng kì năm ngoái tăng hơn gấp đôi.
Tồn kho không có gì lạ với ngành mía đường những năm gần đây, tuy nhiên chưa khi nào mặt hàng này lại ứ đọng với mức khủng như hiện thời. Đến đầu quý II/2013, lượng đường tồn kho lên đến hơn 600.000 tấn, so cùng kì năm ngoái tăng hơn gấp đôi.
Còn tính từ đầu 2013 đến nay, bình quân mỗi tháng lượng đường tồn kho lên đến hơn 150.000 tấn. Đây là "đỉnh điểm” tồn kho mặt hàng đường trong nhiều năm vừa qua. Niên vụ mía đường 2012-2013 kết thúc vào cuối quý II/2013, trong 2 tháng còn lại (tháng 5 và tháng 6 ) sản lượng đường tiếp tục được "ra lò” do đó mức tồn kho sẽ còn nhiều hơn so với hiện nay.
Nhu cầu tiêu thụ đường trên thị trường nội địa được xác định ở mức 1,3 triệu tấn/năm, trong khi đến đầu tháng 5/2013, tổng sản lượng đường sản xuất trong nước đã vượt qua con số 1,5 triệu tấn. Cung lớn hơn cầu, đó là thành tựu của ngành mía đường đồng thời cũng là tác nhân dẫn đến mức tồn kho tăng cao.
Không riêng gì Việt Nam, tổng sản lượng đường 2013 của thế giới được dự báo dư thừa hơn 5,8 triệu tấn. Trong tình trạng sản phẩm đường trên thị trường thế giới cung lớn hơn cầu, việc "hạ nhiệt” tồn kho ứ đọng mặt hàng này càng trở nên nan giải đối với Việt Nam.
Các nhà máy đường cũng như ngành chuyên trách (cụ thể là Bộ Công thương) có chung lập luận: Khi sản lượng đường đạt tới mức cung vượt cầu sẽ được giải quyết bằng cách xuất khẩu. Lí lẽ ấy không sai, thậm chí có sức thuyết phục nếu chỉ xem xét thuần túy bằng con số trên sổ sách.
Thực tế trên thị trường tự nó đưa ra câu trả lời theo chiều ngược lại. Không riêng gì 2013 mà kể cả nhiều năm trước, mặc dù luôn ở trong tình trạng ế thừa, xuất khẩu đường vẫn là "bài toán” cực kì nan giải. Chất lượng sản phẩm và giá thành không tương xứng, thực tế ấy trở thành "vật cản” làm cho xuất khẩu đường của Việt Nam luôn bị bế tắc.
Hiện thời giá thành sản phẩm đường của Việt Nam vào loại cao nhất so với mức bình quân của thế giới, trong khi chất lượng lại ở tốp sau. Tính cạnh tranh quá thấp (kể cả giá thành và chất lượng sản phẩm) điều đó lí giải vì sao sản phẩm đường Việt Nam bị dư thừa nhưng khó được chấp nhận khi bước vào "sân chơi” thị trường thế giới.
Thị trường nội địa đang diễn ra tình trạng nghịch lí: Sản xuất đường trong nước ứ đọng khối lượng lớn nhưng đường nhập lậu vẫn cứ tràn vào. Phần lớn đường nhập lậu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan nhưng lại đi qua Campuchia.
Mỗi năm Campuchia nhập khẩu (theo đường chính ngạch) từ 600.000-650.000 tấn đường của Thái Lan, một phần phục vụ thị trường nội địa, phần còn lại dùng để … bán cho Việt Nam. Đã qua nhiều tầng nấc nhưng khi đến Việt Nam, đường xuất xứ từ Thái Lan vẫn có giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại Việt Nam.
Chất lượng không thua kém trong khi giá rẻ hơn, lợi thế ấy tạo ra sức cạnh tranh thắng thế của đường Thái Lan trên thị trường Việt Nam.
Dùng biện pháp hành chính để chống buôn lậu mặt hàng đường (cũng như hàng hóa nói chung) là cần nhưng không có tác dụng lâu bền vững chắc. Phải dùng hàng hóa để cạnh tranh với hàng hóa, đó là giải pháp căn cơ nhất, không những "triệt” được buôn lậu mà còn tạo ra sự phát triển vững chắc của nền kinh tế nói chung./.