Tổng cục Thuế họp báo, phản hồi ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước
VOV.VN - Đại diện Tổng cục Thuế phản hồi liên quan đến phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại buổi thảo luận ở Quốc hội chiều 15/11.
Ngày 16/11, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin liên quan đến dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Tại họp báo, đại diện Tổng cục Thuế đã có những phản hồi liên quan đến phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc về việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn tại buổi thảo luận ở Quốc hội chiều 15/11. Ông Phớc dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, cho biết, thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.
Họp báo Tổng cục thuế |
Ông Phạm Ngọc Lai, quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, không bình luận về số liệu của Tổng KTNN Hồ Đức Phớc bởi đó là số liệu của cơ quan kiểm toán đưa ra và ngành thuế chưa nắm được việc này. Tuy nhiên, ông Lai khẳng định, ngành thuế luôn phối hợp chặt chẽ với KTNN, Thanh tra Chính phủ. Cụ thể: khi KTNN tiến hành kiểm toán ngân sách tại 1 địa phương, sẽ có 1 tổ kiểm toán tại cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều đã có các văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ cho cơ quan kiểm toán.
“Sau khi kết thúc, cơ quan kiểm toán sẽ lập biên bản kiểm soát, đối chiếu, từ đó ra số chênh lệch về thuế, những sai phạm về thuế của các DN. Có thể thời điểm KTNN vào kiểm toán thì DN chưa kê khai thuế, nhưng sau đó DN đã kê khai bổ sung vì Luật Quản lý thuế hiện hành cho phép khai bổ sung. Tuy nhiên, lúc này cơ quan kiểm toán đã xếp DN đó vào diện sai phạm", ông Lai cho biết.
Lấy ví dụ về việc DN xuất hóa đơn vào tháng 12 năm trước và quyết toán vào tháng 3 năm sau, cơ quan kiểm toán liệt vào diện sai phạm do không hạch toán kịp thời. Tuy nhiên, đại diện cơ quan thuế chỉ ra DN có quyền khai bổ sung sau đó theo Luật quản lý thuế hiện hành. Đúng kỳ này không khai, DN chỉ bị liệt vào dạng nộp chậm và chịu thêm khoản chi phí do nộp chậm.
"Cơ quan kiểm toán xếp các DN đó vào diện sai phạm do chưa hạch toán không kịp thời. Do vậy, một số doanh nghiệp phản ánh kết luận họ sai phạm là chưa thật sự đúng lắm", ông Lai nói.
Quyền vụ trưởng Vụ Thanh tra cũng nhấn mạnh theo kế hoạch thanh tra hằng năm của Tổng cục Thuế, số vụ việc phát hiện có vi phạm cũng rất lớn, tỉ lệ lên tới 95-97%. Cụ thể, trong năm 2016, cơ quan thuế đã kiến nghị thu hơn 17.000 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra. Năm 2017, con số này là 19.000 tỷ đồng, ngoài ra còn giảm lỗ khoảng 37.000 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác trên 50.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề theo ông Phạm Ngọc Lai là có những hành vi sai phạm nhỏ, có DN chỉ sai phạm 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng cũng được liệt kê là sai phạm, nên tỉ lệ lớn cũng phải xem xét trên nhiều bình diện.
"Những hành vi sai nhỏ đều tính vào, đánh đồng để nói về tỉ lệ tương đối thì rất khó. Có những DN sai phạm rất nhỏ, nhưng có những DN khi chúng tôi vào truy thu đến 1.850 tỷ đồng", ông Phạm Ngọc Lai nói.
Trong khi ấy, chính sách hiện tại theo ông chưa đồng bộ với hành vi trên thực tiễn nên phải liên tục sửa đổi. Ngoài ra, quản lý thuế theo cơ chế tự khai tự nộp nên cần "thông cảm" cho các DN về những hiểu biết chưa đầy đủ và quan niệm chưa chuẩn về pháp luật thuế.
Tại họp báo, 1 vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm là khiếu kiện sau thanh tra, kiểm tra, ông Thành Xuân Lý, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế cho rằng, khiếu nại khiếu kiện là vấn đề bình thường. Theo ông Lý, giai đoạn 2013-2017 đã có 250 vụ kiện hành chính về thuế, trong đó số vụ kiện phát sinh từ kiến nghị kết luận của Thanh tra Chính phủ là 1 vụ và từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước là 11 vụ.
Tuy nhiên, theo ông, có vụ việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, người nộp thuế đã khai thuế và nộp tiền cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán và kiến nghị người nộp thuế nộp bổ sung 60 tỷ đồng. Người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị trên và đã kiện, vụ việc này xảy ra từ năm 2013 và hiện vẫn chưa xử lý xong.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định, Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp nhiều giúp tăng thu ngân sách nhưng do cách hiểu, quan điểm xử lý có thể khác nhau dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất./.
10 tháng, ngành Thuế thu được hơn 26.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
Nợ đọng thuế gần 83.000 tỷ đồng, hơn 40% không có khả năng thu hồi