Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Thụy Sĩ đạt gần 20%/năm suốt 5 năm qua
VOV.VN - Chiều 5/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ngài Ignazio Cassis, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ 4 – 6/8.
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên điểm qua tình hình phát triển kinh tế, thương mại và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, luôn là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Ngài Ignazio Cassis đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 thông qua những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua mặc dù Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phía Thụy Sĩ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia tích cực quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu - EFTA (gồm 4 nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) mà Thụy Sĩ là thành viên. Ngài Cassis bày tỏ mong muốn quá trình đàm phán Hiệp định tiếp tục được đẩy mạnh, hai bên cùng thống nhất và giải quyết các vấn đề còn khúc mắc, tiến tới kết thúc đàm phán như mong muốn của Lãnh đạo cấp cao hai bên.
Hai bên đều tỏ ra lạc quan về mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Theo thống kê của Thụy Sĩ, tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây, tính cả năm 2020 luôn đạt mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ngày càng có nhiều công ty Thụy Sĩ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) và một số doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này không chỉ tạo ra khoảng 20.000 việc làm cho thị trường Việt Nam, đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm, mà còn áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ lao động và năng lực sản xuất của ngành trong nước. Tính đến tháng 6/2021, Thụy Sĩ có 172 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng bày tỏ cảm ơn tới sự hỗ trợ của Thụy Sĩ trong việc hỗ trợ Bộ Công Thương thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu”, một trong các dự án trụ cột trong chiến lược hợp tác của Thụy Sĩ 2021-2024 về phát triển kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định chiến lược hợp tác chính phủ Thụy Sĩ triển khai rất phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới của Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn phía Thụy Sĩ sẽ tiếp tục ủng hộ, cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ để thúc đẩy hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác trong trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đặc biệt là mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp nền tảng như như vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ…, hướng tới mục tiêu gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và các sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng, với việc trao đổi rất tích cực và cởi mở về nhiều vấn đề tại cuộc họp và sự thống nhất về quan điểm, phương hướng và các biện pháp cụ thể, hai bên có thể đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hơn nữa trong thời gian tới và sớm đạt kết quả tốt đẹp trong đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối các nước EFTA.
Cuối buổi tiếp, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, cũng như triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa hai bên, góp phần thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Thụy Sĩ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa./.