Tổng sơ đồ điện 7 gặp khó về huy động vốn

Việc đảm bảo cung cấp 5.000MW điện/năm là vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có giải pháp để thực hiện tổng sơ đồ này cũng như để huy động vốn.

Đảm bảo cung cấp năng lượng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt luôn có vai trò quan trọng phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Đây cũng là vấn đề được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại nhiều kỳ họp và đông đảo cử tri cả nước mong muốn nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu điện gay gắt hiện nay.

Thực hiện Quy hoạch Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 hay còn gọi là Tổng sơ đồ điện 7, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn Tổng sơ đồ điện 6. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên hành lang kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII. 

** Thưa Phó Thủ tướng, trong bối cảnh mặt bằng giá mới đang có chiều hướng tăng, điều đó có ảnh hưởng như thế nào khi thực hiện Tổng sơ đồ điện 7?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việc thực hiện Tổng sơ đồ 7 sẽ còn khó khăn hơn Tổng sơ đồ 6. Khó khăn lớn nhất là việc huy động vốn trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ kinh tế trong nước gặp khó khăn mà cả thế giới cũng vậy, huy động vốn trong và ngoài nước đều khó. Trong khi vẫn phải đảm bảo cung cấp thêm 5.000MW điện mỗi năm là việc hết sức nan giải. Cho nên phải có đề án để thực hiện Tổng sơ đồ này, tức là huy động vốn.

Tuy nhiên, mặt bằng giá mới đã tăng lên, như vậy đầu tư một nhà máy điện sẽ cao hơn, dẫn tới khả năng thu hút vốn sẽ khó khăn hơn. Nhưng lại xuất hiện tiềm năng mới đó là mở ra thị trường, cơ chế điều chỉnh giá điện để dần dần tiếp cận thị trường cho bài toán khó về vốn và còn phụ thuộc vào thị trường để ta thực hiện các bước đi như vậy.

** Trong khi khó thực hiện các giải pháp huy động vốn, nhưng ngành điện vẫn nắm giữ độc quyền cung ứng điện cho nền kinh tế. Vậy ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao thành lập các nhóm Tổng công ty phát điện trong Tập đoàn. Trên cơ sở phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, sẽ tách các tổng công ty này ra và tiến tới cổ phần các công ty. Các bước tái cơ cấu cũng phải thực hiện một cách khoa hoc và đồng bộ với tiến độ thị trường.

Hiện tại, chúng ta chưa hình thành được các đơn vị mới có khả năng thu hút đầu tư vốn thì không thể có tổ chức cung ứng điện. Để giảm dần độc quyền Nhà nước phải tăng yếu tố thị trường lên; Khả năng tham gia vào thị trường phải lớn lúc ấy mới giảm được vai trò Nhà nước. Thị trường không làm được, tư nhân không làm được Nhà nước phải làm. Giờ muốn rút vai trò Nhà nước phải khẳng định được thể chế đã đầy đủ và tư nhân cũng đã sẵn sàng. Chỉ khi tư nhân tham gia Nhà nước mới rút dần.

** Nhiều đại biểu cho rằng, xảy ra tình trạng thiếu điện gay gắt như hiện nay là do chậm tiến độ thực hiện Tổng sơ đồ điện 6. Chính phủ rút ra kinh nghiệm gì khi thực hiện Tổng sơ đồ 7 trong thời gian tới?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án, trong đó có nguyên nhân thiếu vốn. Như tôi nói, việc thực hiện tổng sơ đồ điện 7 không hề dễ dàng, muốn đảm bảo được tiến độ còn khó hơn  nữa. Nguyên nhân thứ hai là giá cả. Vừa rồi chúng ta đưa ra được cơ chế điều chỉnh giá và việc này sẽ tạo điều kiện để thu hút vốn tốt hơn. Mặc dù giá mới cải cách được một bước nhưng cũng là hướng mở ra để các nhà đầu tư sẵn sàng. Trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.

Một vấn đề nữa là phải xem xét để cải cách các khâu của dự án, có những cơ chế để dự án được triển khai nhanh hơn. Các chủ đầu tư cũng phải làm quen dần dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Thực tế, vẫn còn một số chủ đầu tư năng lực yếu trong khâu chuẩn bị dự án và triển khai thực hiện.

** Còn một nguyên nhân nữa là nhiều dự án xây dựng của ngành điện đang vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng. Với Tổng sơ đồ điện 7, cần triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Đây là khó khăn lớn, vướng mắc nhất khi thực hiện Tổng sơ đồ điện 7, đòi hỏi Chính phủ, các địa phương, chủ đầu tư phải có một cơ chế phù hợp. Trong khó khăn này, sự chậm trễ nằm ở khâu chuẩn bị các khu tái định cư cho dân. Thực tế Chính phủ cũng có quy định cho phép chủ đầu tư ứng vốn cho địa phương để làm công tác quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư sớm hơn. Thế nhưng đều vướng do không có quỹ nhà tái định cư, hoặc đất tái định cư, chỉ khi nào động đến dự án mới làm cho nên bao giờ cũng chậm.

Tuy vậy, tôi cho rằng cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan với nhau, địa phương, nhân dân cùng với chủ đầu tư hợp tác chặt chẽ để tháo gỡ vì lợi ích chung. Khi thực hiện Tổng sơ đồ điện 6 chưa bao giờ chúng ta đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng năm khoảng 3.780MW. Tình trạng thiếu điện cứ kéo dài như vậy nên khi giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến giai đoạn này, nhu cầu tăng lên 5.000MW, thách thức đó đòi hỏi các cơ quan, bộ ngành và địa phương phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện.

** Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên