TP HCM: Lượng hàng Tết cao gấp 3 - 4 lần so với kế hoạch

Thành phố đã chủ động từ việc tạo nguồn hàng đến việc tập trung phát triển điểm bán, đưa hàng hóa bình ổn đến tận tay người tiêu dùng.

Hôm nay (10/12), Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ hàng Tết Nhâm Thìn 2011.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TPHCM cho biết, việc chuẩn bị các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Thìn 2012 đã được thành phố chuẩn bị từ đầu tháng 4/2011. Trong đó, nguồn cung ứng chính là từ 3 thành phần: doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% thị phần; 3 chợ đầu mối chiếm 40-50% thị phần và từ các công ty- doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.

Tính đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Thìn tăng gấp 3 đến  4 lần lượng hàng theo kế hoạch được giao, với tổng số tiền hơn 5.560 tỷ đồng, đồng thời cam kết giữ giá ổn định trong dịp Tết.

Hiện TPHCM có hơn 2.500 điểm bán hàng thuộc Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng hơn 350 điểm so với năm ngoái.

Sở Công thương thành phố cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tập trung phát triển mạng lưới phân phối để hàng hóa đến tận tay người dân. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm tra liên ngành ở 24 quận, huyện đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra giá, niêm yết giá tại các điểm bán hàng bình ổn và tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ thưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa Tết của TPHCM. Thành phố đã chủ động sáng tạo từ việc tạo nguồn hàng dồi dào, chất lượng đến việc tập trung phát triển điểm bán đến các quận huyện ven ngoại thành, khu chế xuất – khu công nghiệp, chợ truyền thống nhằm đưa hàng hóa bình ổn đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó thành phố cũng rất chủ động liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất của thành phố với các đơn vị cung ứng nguồn hàng của các tỉnh, thành lân cận để phát huy lợi thế trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác trong cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên