TP Vũng Tàu buông lỏng quản lý, người dân ồ ạt xây nhà trên đất công
VOV.VN - Tình trạng người dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trên đất do nhà nước quản lý ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu diễn ra trong nhiều năm qua.
Để thu hồi lại diện tích bị lấn chiếm thực hiện các dự án của địa phương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo TP Vũng Tàu phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi lấn chiếm đất công, chấm dứt và không để tái diễn tình trạng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Phần đất mà người dân lấn chiếm xây dựng trái phép trong nhiều năm qua trên địa bàn TP Vũng Tàu, chủ yếu thuộc đất dự án trồng rừng của chương trình 327 của Quốc gia, đất thuộc các dự án chưa triển khai hoặc đất do các tổ chức tín dụng quản lý từ việc thế chấp của các tổ chức.
Khu đất cuối đường D10 phường 11, TP Vũng Tàu người dân lấn chiếm xây nhà trái phép. |
Mới đây vào ngày 25/5 lực lượng chức năng của phường 11 phối hợp với TP Vũng Tàu tiến hành cưỡng chế 40 công trình nhà ở xây dựng trên đất do Nhà nước quản lý tại khu vực ven biển cuối đường D10 (tổ 13, khu phố 1, phường 11). Phần đất xây dựng trái phép thuộc diện tích 5,8 ha nhận khoán để bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ ven biển thuộc chương trình 327 của Quốc gia.
Ông Lê Hưng, Chủ tịch UBND phường 11 cho biết, việc cưỡng chế nhằm lấy lại khu đất mà người dân lấn chiếm để cơ quan chức năng thực hiện các chủ trương về phát triển khu đô thị ở đường 3/2 thuộc phường 10, 11 TP Vũng Tàu.
“Đất công không thể nào tự động 1 cá nhân hay một gia đình nào chiếm bất hợp pháp, anh A vào làm được thì anh B cũng vào làm cho nên chúng tôi kiên quyết phải thực hiện thu hồi” – ông Lê Hưng nói.
Còn lại phường 10, TP Vũng Tàu sắp tới địa phương này sẽ tiến hành cưỡng chế 28 công trình nhà ở xây dựng trên phần đất 5.000 m2 do Ngân hàng công thương quản lý.
Theo lãnh đạo UBND phường 10 TP Vũng Tàu, diện tích đất trên do Vũ Quang Ánh, ngụ TP Vũng Tàu khai phá từ trước năm 1975 với diện tích 5000 m2, đến 1995 ông Ánh đã chuyển nhượng cho ông Lê Anh Tuấn (Phú Nhuận, TP HCM) đại diện cho Công ty Minh Phụng, việc chuyển nhượng được TP Vũng Tàu xác nhận, sau đó phía công ty này đã thế chấp lô đất trên tại Ngân hàng công thương Việt Nam.
Việc cưỡng chế xây dựng trái phép của lực lượng chức năng TP Vũng Tàu. |
Trong giai đoạn từ 2006 – 2010 lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương người dân tiến hành sang nhượng và ồ ạt xây dựng nhà trái phép trên đất là tài sản của Ngân hàng Công thương Việt Nam. Sau khi có thông tin cưỡng chế nhằm thu lại đất công đã vấp phải sự phản ứng, khiếu kiện của người dân.
"Lúc trước ông Xuân có bán đất cho mọi người ở đây có giấy tờ hẳn hoi chứ không có chiếm đất của Nhà nước, phường có lập biên bản xây dựng trái phép nhưng không xác định là đất của Nhà nước. Thời điểm đó có là xây không hợp pháp trên đất nông nghiệp thôi, lúc đó UBND phường cũng xác nhận là vậy" - anh Nguyễn Minh Lý, người dân đang sinh sống tại khu vực này cho biết.
Không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc đất lại được tiếp tay bất hợp pháp của chính quyền cơ sở nên thời gian qua người dân công khai mua bán, xây dựng nhà trái phép trên đất thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy khi bị cưỡng chế, thiệt hại đều thuộc về người dân.
Theo ông Trần Văn Dương, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Vũng Tàu, hầu hết các vụ khiếu kiện đất đai ở khu vực này không thể giải quyết vì người dân không cung cấp được các giấy tờ mang tính hợp pháp cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, các cơ quan pháp luật cũng đã phân xử rõ ràng đất đai đều thuộc quyền sử dụng của các cơ quan đơn vị Nhà nước:
“Bây giờ UBND TP Vũng Tàu, Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với các ban ngành liên quan, phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên môi trường, UBND phường, tham mưu ban hành quyết định không bồi thường nhà, không bồi thường đất vì bà con không có gì để chứng minh đất của mình là hợp pháp” – ông Trần Văn Dương nói.
Bà Trương Thị Hường, Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố còn rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép, xây dựng nhà trên đất do Nhà nước quản lý… tập trung chủ yếu ở các phường 10, 11, 12, phường Thắng Nhất. Sắp tới nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất Nhà nước sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu.
“Bây giờ giao trách nhiệm cho người đứng đầu UBND phường, UBND thành phố cũng chịu trách nhiệm với lãnh đạo tỉnh về việc để xảy ra tình trạng trái phép, xây dựng trên đất Nhà nước quản lý. Xây dựng không phép mà không quản lý được rồi cưỡng chế cũng rất đau lòng nhưng cũng phải xử lý, xử phạt và kèm theo tuyên truyền để tự tháo gỡ” – bà Trương Thị Hường cho biết.
Người dân đang sinh sống tại các khu đất trên đặt câu hỏi: Vì sao chính quyền địa phương không ngăn chặn ngay từ đầu việc xây dựng trái phép trên đất do nhà nước quản lý? Công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương phải chăng đang có vấn đề?
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý của địa phương chưa chặt chẽ, đây là vấn đề lịch sử để lại nên phải kiểm điểm trách nhiệm cán bộ qua các thời kỳ.
"Phải xử lý, không để buông lỏng như giai đoạn trước làm không chặt. Sau vụ việc này thành phố sẽ làm kiểm điểm trách nhiệm việc thực thi pháp luật của cán bộ. Nếu mình làm ngơ buông lỏng thì hệ lụy quá lớn" - ông Hoàng Vũ Thảnh.
Việc chính quyền TP Vũng Tàu kiểm điểm cán bộ thiếu trách nhiệm để người dân lấn chiếm đất công tồn tại nhiều năm qua là có cơ sở. Tuy nhiên, để lập lại trật tự đô thị TP Vũng Tàu cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu việc xây dựng trái phép của các tổ chức và cá nhân, có như thế mới đảm bảo quy định của pháp luật, hạn chế việc khiếu kiện kéo dài của người dân./.
Đình chỉ công trình xây dựng trái phép trong khu vực 1 di tích Lục Bộ
Phạt công ty MGA 30 triệu đồng vì xây dựng trái phép tượng Bà Chúa Xứ