TP.HCM cần cân nhắc kỹ các nguồn vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 - 2026

VOV.VN - Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện đạt 73,5% tổng khối lượng, 10/11 nhà ga trên cao (tuyến metro số 1) hoàn thiện lắp mái.

Chiều nay (29/6), tại TP.HCM, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc với UBND TP về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP có 9 dự án ODA, trong đó có 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B với tổng số vốn 122.500 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.000 tỷ đồng, vốn đối ứng là gần 20.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi thực tế tại tuyến metro số 1.

 Theo ông Hoan, tình hình giải ngân trong 6 tháng năm 2020 của TP chậm do có một số dự án đang trình Thủ tướng như Dự án giao thông xanh, Dự án vệ sinh môi trường TP, dự án tăng cường mở rộng hệ thống thoát nước…

Một số dự án đặc biệt như tuyến giao thông đô thị số 1 và số 2 vừa được phê duyệt điều chỉnh; có dự án còn đang chọn nhà thầu, hoặc đang tổ chức đấu thầu, đấu thầu lại; ngoài ra, đại dịch Covid-19 vừa qua cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ nên việc giải ngân bị ảnh hưởng.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi là rất quan trọng để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết bài toán giao thông, ô nhiễm môi trường và tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Do đó để việc giải ngân thuận lợi, UBND TP kiến nghị 4 nhóm vấn đề.

Cụ thể là Trung ương sớm có kế hoạch bố trí vốn trung hạn và hàng năm; với tuyến metro số 1, Trung ương và các bộ ngành nên sớm chọn tiền Yên hay tiền Đồng trong thanh toán…cố gắng không ảnh hưởng đến tiến độ dự án theo kế hoạch là về đích vào năm 2021.

"Mấy năm trước, năm nào TP cũng ứng tiền hết. Năm nay sau khi điều chỉnh xong là có tiền về, trước hết tạm ứng, sau đó tiếp tục thanh toán nhưng vẫn chưa có tiền về. Nếu có tiền, khi làm hết xong thì vẫn có thể tiếp tục hấp thụ thêm nguồn vốn. Mong rằng là nếu được sau khi TP xài hết tiền năm nay, có thể bố trí ngay vốn để chuẩn bị giải quyết tiếp phần còn lại chứ để sang năm bố trí lại thì rất là chậm", ông Hoan cho hay.

UBND TP cũng đề xuất được sử dụng vốn kết dư khoảng 76,8 triệu USD của Dự án vệ sinh môi trường TP – giai đoạn 2 cho dự án liền kề, đề nghị Bộ Tài chính sớm giải quyết. TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ cho vay lại của tuyến metro 1 để làm cơ sở kí các hiệp định vay bổ sung; thẩm định hồ sơ cho vay lại của tuyến metro số 2, điều chỉnh hồ sơ gia hạn giải ngân và lịch trả nợ của tuyến metro này.

Lãnh đạo TP cũng mong Trung ương sớm giải quyết vấn đề nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài, cùng các trang thiết bị…để phục vụ các dự án, đặc biệt là tuyến metro số 1.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong tỷ lệ vốn ODA thì TP.HCM có tỷ lệ lớn nhất, việc thúc đẩy giải ngân của TP.HCM là rất cần thiết. Theo ông Phạm Bình Minh, dự án quan trọng là tuyến metro số 1 nếu giải quyết một số vấn đề thì sẽ tăng giải ngân của TP nói chung.

Tuyến metro số 1 dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021.

Theo Phó Thủ tướng, những vướng mắc trong việc giải quyết cho chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc, TP.HCM cần có sự chủ động và Trung ương sẽ giải quyết nhanh.

Vấn đề chọn tiền Yên hay tiền Việt Nam đồng, Phó Thủ tướng cho rằng hiệp định vay bằng tiền Yên, sau này trả bằng tiền Yên nên đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất lại. Phó Thủ tướng đề nghị TP chủ động xác định hiệp định vay  nào sắp hết hạn để gia hạn, hoàn chỉnh các thủ tục. Với các dự án mới, TP.HCM cần cân nhắc nguồn vay như thế nào và đánh giá tính hiệu quả.

"Cơ bản giai đoạn 2021 – 2026, nguồn vốn ODA hầu như không có mà chủ yếu là các nguồn vốn vay ưu đãi. TP.HCM thuộc vào nhóm phải vay lại 100% nên phải cân nhắc vay rất kỹ nguồn vay như thế nào, hiệu quả sao. Hiện nay đang có ý kiến là nguồn trái phiếu trong nước lãi suất còn rẻ hơn nguồn vay ưu đãi, thì ta nên vay trong nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đi kiểm tra tình hình hình thực tế tại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Hiện tuyến này đã đạt 73,5% tổng khối lượng, đã có 10/11 nhà ga trên cao thuộc tuyến metro số 1 hoàn thiện lắp đặt mái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên