TP.HCM đẩy nhanh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm
VOV.VN - TP.HCM cũng xác định đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UBND Thành phố đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm đẩy mạnh kích cầu và tác động tích cực đến những ngành liên quan.
Kinh tế TP.HCM trong quý 2 khởi sắc với GRDP tăng gần 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, 6 tháng qua, chỉ số này của Thành phố tăng trưởng chỉ mới đạt 3,55%. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố năm 2023 là đạt từ 7,5%-8%, đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, TP.HCM đang tăng tốc trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm, với các giải pháp, như: đẩy nhanh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng...
Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên 41%
Theo chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay thì trong quý 2, GRDP của Thành phố phải đạt 2 con số. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh còn khó khăn. Qua khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, hiện nay có đến 51% doanh nghiệp giảm doanh thu và 62% doanh nghiệp giảm lợi nhuận.
Trong đó, lượng sản phẩm, hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp tăng lên 41%. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi nên khả năng tăng trưởng trong các quý tiếp theo là khá khó khăn. Thậm chí có tới 30% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo sẽ còn tiếp tục giảm. Do đó, khả năng số lượng doanh nghiệp tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hàng tồn kho của doanh nghiệp không chỉ là sản phẩm mà cả nguyên liệu. Điều đáng nói là hàng tồn, đơn hàng giảm nhiều thuộc những ngành chủ lực như: dệt may, giày da, chế biến sản phẩm gỗ... Còn thị trường nội địa thì sức mua cũng chậm do việc làm, thu nhập của nhiều người lao động giảm, việc chi tiêu cũng thắt chặt và tiết kiệm hơn.
Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị, đối với thị trường xuất khẩu, Thành phố, Chính phủ nên hỗ trợ kinh phí đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho những sản phẩm chủ lực và có thế mạnh. Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất hàng, dòng tiền thu hồi chậm nên ông kiến nghị ngân hàng giãn, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, ngân hàng đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay, nhất là nguồn vốn vay lưu động và hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp. Đối với thị trường nội địa, nên đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và tổ chức các chương trình khuyến mãi.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị: "Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mãi, xúc tiến bán hàng trong nước. Chúng ta nên nghiên cứu giảm thêm một số thuế, chẳng hạn như giảm thuế trước bạ…tạo điều kiện giảm chi phí trong quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Chúng ta làm thế nào kích hoạt đưa nhanh các nguồn lực vào để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn ách tắc thủ tục trong triển khai dự án".
Đẩy nhanh đầu tư công
Còn theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì Thành phố cần đẩy mạnh tăng tốc đầu tư công thời gian tới. Trong đó, Thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện pháp lý để triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để sớm phát huy tác dụng, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
"Đầu tư công thì vốn đã bố trí, nhưng vướng mắc nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng và đất đai. Chính những quy định mới trong Nghị quyết 98, khi triển khai nội dung này sẽ tháo gỡ những khó khăn hiện nay về giải phóng mặt bằng. Vì dụ như trong nghị quyết này cho tách dự án giải phóng mặt bằng ra riêng thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ triển khai dự án" - ông An nhấn mạnh.
TP.HCM cũng xác định đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UBND Thành phố đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm đẩy mạnh kích cầu và tác động tích cực đến những ngành liên quan.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng xuất khẩu và thị trường mới, Sở Công thương TP.HCM phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trong tháng 8 tới, Sở hỗ trợ doanh nghiệp tham gia “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan” với chủ đề “TP.HCM và Mekong Delta” nhằm quảng bá, kết nối các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của TP. Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu”. Ở thị trường nội địa, trong 3 tháng từ tháng 6 đến 9, tổ chức Hội chợ Khuyến mại “Shopping Season”.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: "Nếu trong điều kiện bình thường thì mình chỉ được khuyến mại 50%, nhưng lần này khuyến mại tập trung nên mức khuyến mại lên 100%. Việc chúng tôi tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại khác để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa. Thị trường TP.HCM với dân số 13 triệu dân là thị trường rất lớn, việc kích cầu tiêu dùng ở thị trường này và các tỉnh, thành khác cũng là một ưu tiên tập trung".
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất tốt để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM cho hay: "Chúng tôi tập trung cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên như: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghệp công nghệ cao…. Chúng tôi tiếp cận, đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và tận dụng tốt các cơ chế chính sách ưu đãi tín dụng".
Với những giải pháp khẩn trương của TP.HCM, cộng với tín hiệu tích cực của thị trường thế giới khi hàng tồn kho bắt đầu giảm và lạm phát đã hạ nhiệt sẽ tạo thuận lợi để Thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.