TP.HCM rất có tiềm năng để phát triển kinh tế số
VOV.VN - Sáng 25/3, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm "Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM" gợi mở các định hướng chính sách phát triển kinh tế số trong giai đoạn tới.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, chủ động tăng tốc trong tiếp cận các cơ hội từ sự phát triển của nền kinh tế số. TP.HCM là một trong những địa phương đi tiên phong trong cả nước trong xây dựng chương trình chuyển đổi số và đô thị thông minh.
TP.HCM đã ban hành Chương trình chuyển đổi số từ tháng 7/2020 với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến 2030 chiếm 40% GRDP TP. Trong năm 2022, phấn đấu kinh tế số đóng góp 15% GRDP thành phố.
TP.HCM có số dân sử dụng điện thoại di động cao nhất nước, hạ tầng cáp quang, internet, di động 3G, 4G đã phủ 100% phường xã; xu hướng số hoá, làm việc học tập từ xa ngày càng lan rộng, phổ biến… Đặc biệt, năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng ngành khoa học công nghệ và thông tin truyền thông có tốc độ tăng trưởng cao (lần lượt là 3,8% và 6,08% so với cùng kỳ).
Ông Lâm Đình Thắng cho biết, lần đầu tiên, ở góc độ nghiên cứu khoa học, TP.HCM đã xác định được chỉ số đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TP. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để TP định hình chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và các doanh nghiệp công nghệ. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thống nhất từ khái niệm, phương pháp đánh giá, chính sách phát triển… nên rất cần các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Tại toạ đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ khái niệm và phạm vi về kinh tế, về hệ sinh thái kinh tế số và định hướng các chính sách giải pháp phát triển kinh tế số. Trong đó nhấn mạnh việc cần phải đồng bộ dữ liệu, thay đổi tư duy của nhà lãnh đạo, quản lý trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. TP.HCM cần phải xây dựng ngay hệ sinh thái kinh tế số từ các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, vườn ươm… đầu tư về cơ sở vật chất, tập hợp các chuyên gia kinh tế, công nghệ thông tin, đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau một năm sẽ có thêm bao nhiêu doanh nghiệp kinh tế số, đóng góp ra sao.
Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực; trong đó cần phải đầu tư nguồn sinh viên các trường đại học bằng cách giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường đại học về chỉ tiêu hàng năm, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giảng viên để truyền lửa, kiến thức cho thế hệ trẻ để các bạn có thể khởi nghiệp ngay trên ghế nhà trường hoặc tiếp cận với kinh tế số ngay khi ra trường. Ngoài ra, TP cũng cần phải có các chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể, đứng ra kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học, sinh viên./.