TPP: Mỹ yêu cầu dệt may Việt Nam giảm nhập khẩu từ Trung Quốc
VOV.VN -Mỹ đang “ép” dệt may Việt Nam giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.
Mỹ yêu cầu các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải giảm nhập khẩu từ Trung Quốc để kích thích chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thượng viện Mỹ đang xem xét thông qua quyền đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán TPP, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong nước, đồng thời “tranh thủ” gây sức ép tới các thành viên muốn tham gia Hiệp định này, trong đó có Việt Nam.
Công nhân đang sản xuất hàng may mặc tại một nhà máy tại Thuận An, Bình Dương – (Ảnh: Bloomberg) |
“Ép” Việt Nam giảm nhập khẩu từ Trung Quốc
Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, các nhà đàm phán thương mại Mỹ yêu cầu Việt Nam – quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu sang Mỹ – phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc. Mặc dù đây không phải là điều kiện tiên quyết khi tham gia TPP đối với Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn muốn “ép” Việt Nam chấp nhận đòi hỏi này nếu muốn có được các yếu tố thuận lợi để nhanh chóng kết thúc đàm phán TPP và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Mỹ.
Theo WSJ, mục đích chính của yêu cầu này là tạo ra các cơ hội tìm kiếm thị trường mới cho Việt Nam, và hỗ trợ ngành dệt may của Mỹ. Hiện ngành dệt may của Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho 250.000 công nhân, và kiếm về doanh thu 20 tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu.
Bà Eliza Levy, phát ngôn viên của Hội đồng quốc gia của các tổ chức dệt may Mỹ cho biết, Mỹ và Mexico là 2 nhà sản xuất nguyên liệu dệt may lớn. Thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu vải và sợi từ Mỹ và Mexico.
Hiện nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may và da giày lớn thứ 2 vào thị trường Mỹ, chỉ sau Trung quốc, với kim ngạch lên tới 13,1 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, và phải nhập 4/5 nguyên liệu từ Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam chi phí khoảng 4,7 tỷ USD cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 50% tổng lượng nhập khẩu hàng năm.
Bảng thống kê cho thấy, năm ngoái Việt Nam chi tới 4,66 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc |
Theo các quy định của Hiệp định mới TPP, hàng dệt may và da giày Việt Nam khi vào Mỹ sẽ được miễn thuế, hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi từ 7% đến 32% nếu đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường khó tính này.
Mỹ cũng “bó tay”
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (US Fashion Industry Association), Julia Hughes cho biết các nhà xuất khẩu dệt may của nước này không thể cung cấp đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam, vì thế việc Việt Nam phải tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.
Theo quy định hiện hành của Mỹ, dệt may Việt Nam khó có thể được hưởng thuế suất 0% khi sang thị trường này, Julia Hughes nói.
Mỹ muốn bảo vệ ngành dệt may trong nước để đảm bảo việc làm cho gần 3 triệu lao động đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào lĩnh vực này, bao gồm cả các nhà thiết kế và các nhà bán lẻ.
Ngay cả ở Thượng viện Mỹ, những cuộc tranh cãi “nảy lửa” về TPP vẫn đang diễn ra bởi lo ngại hiệp định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất trong nước.
WSJ nhận định, để đi tắt đón đầu các cơ hội mới từ TPP, nhiều công ty của Hong Kong, Hàn Quốc, và Đài Loan đã “rót” hàng triệu USD đầu tư vào các nhà máy dệt may tại Việt Nam với kỳ vọng sẽ được miễn thuế khi xuất sang Mỹ sau khi hiệp định này được ký kết.
Công ty TAL Apparel có trụ sở tại Hong Kong đang xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu trị giá 240 triệu USD tại Việt Nam, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 để cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy của hãng này tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành Roger Lee của Công ty TAL Apparel cho rằng, ít nhất 5 năm nữa ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam mới có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu. Khi nói về các nhà sản xuất của Mỹ, vị giám đốc này cho hay, sản phẩm dệt may của Mỹ đắt hơn nhiều so với các nước châu Á, nên “còn khuya” mới có thể cạnh tranh nổi với những quốc gia này./.