Trên 17,7 nghìn doanh nghiệp giải thể là sự chọn lọc tự nhiên

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đây là loại doanh nghiệp mới thành lập, không chịu được khó khăn trong cơ chế thị trường nên phải giải thể.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều 7/6 về việc trên 17.700 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 9,5% so với cùng kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng đây là sự chọn lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường.

Theo Bộ trưởng, thông thường, chỉ trên 70% số doanh nghiệp tồn tại được từ khi đăng ký đến khi vào hoạt động. Ở Việt Nam, con số này đang là gần 80%, đó là mức bình thường. Đây là loại doanh nghiệp mới thành lập, không chịu được khó khăn trong cơ chế thị trường nên phải giải thể.

Cũng có những doanh nghiệp yếu kém, quản trị kém, kinh doanh mặt hàng không phù hợp, công nghệ thấp, gặp khó khăn, phải giải thể, đình hoãn.

Đó là sự chọn lọc tự nhiên, khó khăn này sẽ loạiđi những doanh nghiệp yếu kém để những doanh nghiệp mạnh khỏe có hướng phát triển ở lại, đây là sự chọn lọc tốt. Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta mong muốn những loại doanh nghiệp này phải giải thể.

Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế là nhiều doanh nghiệp thực sự kinh doanh tốt, định hướng lâu dài phát triển được, chúng ta cần duy trì nhưng vẫn khó khăn do không tiếp cận được với nguồn vốn, có giá đầu vào cao, tiêu thụ sản phẩm khó khi nhu cầu xã hội giảm, xuất khẩu cũng giảm do nguyên nhân khách quan là thị trường thế giới và trong nước thu hẹp lại.

Chúng ta cần phải hỗ trợ cho những mảng doanh nghiệp, những đối tượng này, phải chọn đối tượng và chọn lĩnh vực để hỗ trợ.

Ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực mà nếu đầu tư vào sẽtạo ra rất nhiều giá trị như đảm bảo cho “tam nông” (nông nghiệp – nông thôn –nông dân) ổn định trong lạm phát và đây cũng là nơi duy nhất xuất siêu. Nông nghiệp là xuất siêu, nhập khẩu vào ít, xuất ra nhiều, thêm nữa, nó tạo ra sự bền vững cho xã hội, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm.

Ngoài ra, còn một số lĩnh vực, đối tượng cần được hỗ trợ đầu tư như lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động mà đem lại giá trị tốt.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ vềmột số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cũng hướng vào những loại doanh nghiệp này và yêu cầu ngân hàng phải tăng dư nợtín dụng cho các đối tượng này, thậm chí còn phải có thêm hỗ trợ họ.

Ví dụ nhưhuy động thêm 2.000 tỷ đồng từ vốn tín dụng của nhà nước với lãi suất ưu đãi do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quản lý để tăng đầu tư cho kênh mương nội đồng, trạm bơm điện để bơm nước cho các cánh đồng mẫu lớn trong khu vực miền Nam….

Doanh nghiệp khó khăn là điều không thể chối nhận. Điều đó thể hiện rất rõ qua các số liệu nhưng trong đó có một tỷ lệ doanh nghiệp phải loại thải theo quy luật tự nhiên, cần thiết phải loại thải những doanh nghiệp yếu kém, song chúng ta cũng phải tìm cách hỗ trợ đúng chỗ với những doanh nghiệp cần phải phát huy,đó chính là bước đầu để tái cơ cấu trong điều kiện khó khăn hiện nay – Bộ trưởng khẳng định.

Nói về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng để cứu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay đây không phải là gói cứu trợ, mà là những chính sách miễn, hoãn, giảm thuế.

Nó chỉ có tác dụng đối với một số doanh nghiệp chứ không phải tất cả.Những doanh nghiệp không có doanh thu thì không có gì để giảm hay miễn thuế.

Những chính sách này chủ yếu mới ở mức độ hỗ trợ một phần, chưa thể tháo gỡ khó khăn được cho doan nghiệp. Cái doanh nghiệp cần nhất bây giờ là tiếp cận được nguồn vốn, đó mới là cái quyết định././.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên