Trí thức kiều bào góp ý kiến phát triển kinh tế và hội nhập
VOV.VN - Các ý kiến đóng góp tích cực vào vấn đề phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Sáng 7/6 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức “Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020” với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
Tham dự diễn đàn có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng gần 100 đại biểu trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật hành chính công, các nhà hoạch định chính sách.
Mục đích của Diễn đàn là tạo cơ hội cho trí thức kiều bào đóng góp ý kiến, tư vấn trên tinh thần xây dựng và tích cực vào những vấn đề thiết thực đối với phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đồng thời giúp họ nắm bắt yêu cầu trong nước, giao lưu kết nối với trí thức và các nhà quản lý trong nước.
Diễn đàn trí thức Việt Kiều với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam. |
Tại diễn đàn, các diễn giả trong nước và nước ngoài đã tập trung thảo luận về các vấn đề như: Tái cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản trị, thể chế; cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, thuế và chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp…
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu, đồng thời thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.
Việt Nam đã tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định tự do song phương và đa phương thế hệ mới. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận; Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong quá trình hội nhập, lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong thời điểm hiện tại chính là con người và cơ cấu dân số thuận lợi với một lực lượng lao động trẻ dồi dào, có trình độ, có sự giao thoa với tri thức quốc tế:
“Chúng tôi cũng đề nghị các diễn giả các nhà khoa học tập trung đánh giá về những đặc điểm xu hướng tình hình kinh trong nước và thế giới hiện nay. Điều đó tác động như thế nào đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hay vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và vấn đề chúng ta hết sức quan tâm đó là lĩnh vực về tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước”./.