Trồng cây quýt chum thất bại và lãng phí ở Lai Châu, trách nhiệm thuộc về ai?

VOV.VN - Quýt chum không được trồng thử nghiệm mà triển khai đại trà trên diện tích lớn ở Lai Châu sau 5 năm không phát triển gây lãng phí hàng tỷ đồng của Nhà nước và người dân.

Mô hình thâm canh quýt chum ở xã San Thàng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu khi triển khai được kỳ vọng sẽ giúp phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân. Thế nhưng, thực tế mô hình này triển khai không hiệu quả, gây lãng phí hàng tỷ đồng của Nhà nước và người dân.

Tháng 5/2016, khi cán bộ xã về tuyên truyền, vận động tham gia mô hình trồng thâm canh quýt chum, gia đình ông Vũ Văn Lương ở bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã chuyển đổi gần 7.000m2 đất trồng mía sang trồng quýt. Được hỗ trợ cây giống, phân bón, gia đình ông đã đầu tư hơn 10 triệu đồng thuê máy xúc đào hố và bỏ công ra để trồng, chăm sóc. Thế nhưng, sau mấy năm trồng, cây quýt không phát triển được, nên gia đình đành phải phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác.

“Dự án đầu tư quýt cho bà con từ cây giống đến phân bón lót, các gia đình chỉ tự túc đào hố. Gia đình tôi trồng khoảng 7.000 – 8.000 m2, cây cách cây 4 mét. Khi trồng và chăm sóc quýt cũng như các cây trồng khác, từ bón phân, tưới nước đầy đủ nhưng cây không phát triển. Mấy năm gia đình không thu hoạch được gì nên dự án cho trồng xen lạc và cấp giống nhưng chỉ được năm đầu tiên, năm thứ hai không có giống, giờ bà con dù muốn cũng không được phép trồng ngô”, ông Vũ Văn Lương nói.

Bản Lò Suối Tủng có 37 hộ dân tham gia mô hình thâm canh quýt chum, với tổng diện tích hơn 12ha. Vùng trồng quýt năm nào giờ đây đã được thay thế bằng các loại cây chè, ngô, đậu tương... và lác đác chỉ còn vài ba cây quýt thấp, bé, lá vàng úa.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Trưởng bản Lò Suối Tủng cho biết, mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế cơ bản rất tốt, nhưng việc thí điểm trồng quýt chum với quy mô hàng chục ha không mang lại hiệu quả kinh tế đã làm giảm lòng tin của người dân. Giờ đây mỗi khi chính quyền, hay cơ quan chuyên môn vận động triển khai mô hình cây trồng mới là rất khó để bà con ủng hộ.

“Trồng quýt 3 năm cây không phát triển. Bà con đã có ý kiến với trưởng bản và HĐND xã đề nghị cho trồng chè, nhưng không được nhất trí và có dự định triển khai cây bưởi. Nhưng nếu phân tích cây quýt không được thì cây bưởi triển khai cũng không ai muốn làm, một số hộ đã quay sang trồng chè, một số khác quay sang trồng ngô. Vừa rồi thành phố bảo đưa dự án trồng mắc ca vào nhưng nhiều người khó đồng ý, tất cả chỉ vì cây quýt không thành công”, ông Tuế bày tỏ.

Mô hình trồng quýt chum được Trạm khuyến nông (nay là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp) TP Lai Châu triển khai từ tháng 5/2016 tại xã San Thàng; tổng số vốn triển khai là hơn 400 triệu đồng. Mô hình đã huy động được hơn 50 hộ dân, tại 4 bản là Lò Suối Tủng, Séo Xin Chải, Thành Công và Pha Lìn tham gia, với tổng diện tích trồng 16ha. Ngoài 8.400 cây giống được cấp, các hộ dân còn được hỗ trợ vật tư như các loại phân bón, vôi, thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện mô hình.

Để cung cấp nước tưới cho diện tích quýt chum đã trồng và một số diện tích cây trồng khác, tháng 6/2016, UBND thành phố Lai Châu có quyết định phê duyệt dự toán đầu tư công trình thủy lợi Sin Câu tại bản Lò Suối Tủng, xã San Thàng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như bể áp lực, đường ống dẫn nước và 4 bể chứa với tổng dung tích 200m3... Tuy nhiên, do mô hình trồng quýt chum không thành công, nên từ khi hoàn thành đến nay, công trình thủy lợi Sin Câu cũng chỉ nằm “phơi nắng, phơi mưa”.

Theo ông Nguyễn Tiến Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, sau khi trồng, người dân cũng đã chăm sóc cây theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Hồi đầu mới trồng trời nắng hạn, chính quyền xã thậm chí còn đưa cả xe bồn vào tưới nước cho cây; hệ thống thủy lợi do thành phố đầu tư cũng khẩn trương được triển khai hoàn thành để tưới cho toàn bộ diện tích quýt. Tuy vậy, cây quýt vẫn không phát triển, dẫn đến hiệu quả của mô hình không đạt yêu cầu.

“Sau gần 1 năm triển khai, thấy cây quýt chum sinh trưởng chậm, bộ rễ nghẹt nên trung tâm đã mời các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, đánh giá cho thấy thổ nhưỡng, đất đai, tiểu vùng khí hậu không phù hợp. Đoàn cũng đề xuất với chính quyền thành phố là cho tạm dừng triển khai mô hình này và chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Quá trình triển khai không hiệu quả một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn, trong góc độ tham mưu về quy mô, diện tích mô hình”, ông Khánh cho biết.

Không nghiên cứu trồng thí điểm mà vội vã triển khai mô hình lên đến hàng chục ha, để rồi 4-5 năm sau cho kết quả bằng 0. Sự tắc trách đó của các đơn vị trực thuộc UBND thành phố Lai Châu không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2 tỷ đồng, mà con đẩy người dân vào cảnh thất thu, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà con.

Và hơn nữa, từ thất bại của mô hình thâm canh quýt chum đã làm giảm lòng tin của người dân vào chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đề ra. Vậy cơ quan nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm từ thất bại của mô hình trồng cây quýt chum này? Dư luận mong muốn sớm có câu trả lời từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Lai Châu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao dự án “cưa rừng trồng cao su” gây phản ứng mạnh?
Vì sao dự án “cưa rừng trồng cao su” gây phản ứng mạnh?

VOV.VN - Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khai thác rừng trồng cao su sau chỉ đạo của Chính phủ khiến dư luận nghi ngờ có khuất tất.

Vì sao dự án “cưa rừng trồng cao su” gây phản ứng mạnh?

Vì sao dự án “cưa rừng trồng cao su” gây phản ứng mạnh?

VOV.VN - Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khai thác rừng trồng cao su sau chỉ đạo của Chính phủ khiến dư luận nghi ngờ có khuất tất.

Bảo đảm quyền lợi cho người góp đất trồng cao su
Bảo đảm quyền lợi cho người góp đất trồng cao su

VOV.VN - Làm sao để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su tại Điện Biên hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn cần nhanh chóng tháo gỡ.

Bảo đảm quyền lợi cho người góp đất trồng cao su

Bảo đảm quyền lợi cho người góp đất trồng cao su

VOV.VN - Làm sao để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su tại Điện Biên hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn cần nhanh chóng tháo gỡ.

10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?
10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?

VOV.VN - Hiện tỉnh Sơn La có hơn 6.000 hecta cây cao su, tuy nhiên, hiệu quả của loại cây này vẫn đang là câu chuyện cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan.

10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?

10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?

VOV.VN - Hiện tỉnh Sơn La có hơn 6.000 hecta cây cao su, tuy nhiên, hiệu quả của loại cây này vẫn đang là câu chuyện cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan.