Trồng lúa sạch, lợi đôi đường

VOV.VN - Với quan niệm “cùng làm, cùng chia sẻ lợi ích”, anh Kha (Cà Mau) đã dần chinh phục được người dân trồng lúa chuyển đổi sang trồng lúa sạch để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với trăn trở tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn sạch để vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Tạ Mạnh Kha (ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã dấn thân và kiên trì vượt qua các khó khăn, làm ra sản phẩm gạo sạch Minh Tâm. Đây là nhãn hiệu gạo sạch đầu tiên ở Cà Mau và cũng là sản phẩm OCOP của xã Khánh Bình Tây được nhiều nông dân Cà Mau biết đến.

Vốn là người kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp, anh Tạ Mạnh Kha nhận rõ tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học trong canh tác thời gian qua. Cũng vì vậy, năm 2014, khi HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Tâm được thành lập, anh Kha với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã xác định, các sản phẩm giống, vật tư nông nghiệp để sản xuất lúa theo Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là mảng kinh doanh chính.

Khi đó, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh về địa phương đặt hàng người dân sản xuất lúa theo IPM và liên hệ HTX Minh Tâm cung cấp vật tư. Người đàn ông chưa tròn 40 tuổi rất trăn trở và tự đặt ra cho mình nhiều vấn đề, như: Làm lúa sạch để bảo vệ mình, bảo vệ nhiều người khác; tỉnh Cà Mau hiện cũng chưa có thương hiệu gạo sạch, người khác làm được, tại sao mình không làm?

Để giải quyết những băn khoăn đó, anh Kha đã tìm đến ông Hồ Quang Cua – “cha đẻ” của giống lúa ST24 để học hỏi về cách sản xuất lúa sạch. Sau đó, anh đã bắt tay thực hiện nhưng “vạn sự khởi đầu nan”.

Để thuyết phục những nông dân khó tính, anh Kha kiên trì vận động. Ban đầu, anh tiếp cận trên diện tích nhỏ, sau đó, dựa trên thực tế để chứng minh. Rồi anh Kha thành lập tổ sản xuất, với 5-7 hộ liền kề để bà con đồng loạt xuống giống, canh tác. Khi sâu bệnh hoặc thời tiết xấu thì anh luôn nắm bắt để ứng phó kịp thời bằng các giải pháp, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học. Đến cuối năm 2018, HTX Minh Tâm đã có vùng nguyên liệu hơn 500 ha, được Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cà Mau công nhận vùng sản xuất lúa an toàn.

Ông Huỳnh Văn Hưng người dân xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, ban đầu anh Kha vận động làm lúa sạch, gia đình ông cũng ngại. Tuy nhiên, thấy nhiều hộ làm có hiệu quả nên đã làm thử và đã thành công. Cái khác cơ bản nhất khi sản xuất lúa sạch là dùng các loại chế phẩm sinh học thay cho phân, thuốc hóa học bà con thường dùng.

"Nếu trồng lúa có bệnh thì tôi điện bên HTX đến coi, thuốc nào phù hợp xử lý. Lúa đã trỗ đòng thì không dùng tới phân thuốc nữa để không nhiễm hóa chất. Hạt gạo mình làm ra đạt tiêu chuẩn sạch, gạo không đạt thì bị thiệt thòi. Lúa mà lạm dụng thuốc hóa học thì bản thân gia đình tôi ăn cũng hại, bị bệnh. Quy trình lúa an toàn này rất tốt, tôi rất tán thành" - ông Hưng chia sẻ.

Gia đình ông Hưng cũng như nhiều nông hộ tại địa phương đã sản xuất lúa theo IPM được vài vụ. Họ không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người dùng mà năng suất lúa cũng cao hơn trước đây khoảng 10 – 20%. Đặc biệt, họ còn được anh Tạ Mạnh Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Minh Tâm ký cam kết, bao tiêu lúa với giá cao hơn thị trường từ 200 – 300 đồng/kg.

Với quan niệm “cùng làm, cùng chia sẻ lợi ích”, anh Kha đã dần chinh phục được người dân trồng lúa. Hiện tại, HTX Minh Tâm đã có vùng nguyên liệu lúa sạch khoảng 1.000ha, với hơn 300 hộ dân tham gia.

Anh Tạ Mạnh Kha chia sẻ: "Qua hai vụ đầu làm thì bà con dần nhận thức được. Làm nông sản sạch không những đem lại lợi nhuận cao hơn mà còn bảo vệ được sức khỏe, môi trường sống của chính mình. Áp lực rất cao, sâu bệnh khi bà con phản hồi về thì mình phải đi xuống trực tiếp đồng ruộng; cần thiết thì phải xử lý nhưng bằng các dòng sản phẩm chế phẩm sinh học".

Với các giống lúa chất lượng cao, như: ST24; Lài Campuchia; RVT... đặc biệt, được sản xuất theo quy trình sạch, các sản phẩm gạo của HTX Minh Tâm đã được đón nhận rộng rãi tại tỉnh Cà Mau. HTX đang định hướng sẽ mở rộng thị trường và anh Tạ Mạnh Kha, với vai trò là người đứng đầu đang từng bước triển khai. Với phương châm, “gạo sạch Minh Tâm – sản phẩm sạch từ tâm”, anh Kha còn đang ấp ủ xây dựng lên thương hiệu gạo sạch đầu tiên của tỉnh Cà Mau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa
Thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa

VOV.VN - Ứng dụng mạ khay, máy cấy lúa tiết kiệm chi phí và tăng năng suất so với gieo cấy truyền thống.

Thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa

Thúc đẩy cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất lúa

VOV.VN - Ứng dụng mạ khay, máy cấy lúa tiết kiệm chi phí và tăng năng suất so với gieo cấy truyền thống.

Mưa dông gây khó khăn trong thu hoạch lúa Thu Đông
Mưa dông gây khó khăn trong thu hoạch lúa Thu Đông

VOV.VN - Người dân thuê máy cắt lúa đổ ngã tùy theo mức độ sẽ phải trả thêm từ 50.000-70.000 đồng/công.

Mưa dông gây khó khăn trong thu hoạch lúa Thu Đông

Mưa dông gây khó khăn trong thu hoạch lúa Thu Đông

VOV.VN - Người dân thuê máy cắt lúa đổ ngã tùy theo mức độ sẽ phải trả thêm từ 50.000-70.000 đồng/công.

Vụ lúa thứ 3 trong năm người dân Hậu Giang được mùa được giá
Vụ lúa thứ 3 trong năm người dân Hậu Giang được mùa được giá

VOV.VN - Hiện nông dân tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Thu đông đầu vụ trong tâm trạng phấn khởi, vì năng suất và giá bán ở mức hấp dẫn. Sau vụ Đông xuân và Hè thu, đây là vụ lúa thứ 3 trong năm, nông dân ở địa phương lại trúng mùa, được giá.

Vụ lúa thứ 3 trong năm người dân Hậu Giang được mùa được giá

Vụ lúa thứ 3 trong năm người dân Hậu Giang được mùa được giá

VOV.VN - Hiện nông dân tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Thu đông đầu vụ trong tâm trạng phấn khởi, vì năng suất và giá bán ở mức hấp dẫn. Sau vụ Đông xuân và Hè thu, đây là vụ lúa thứ 3 trong năm, nông dân ở địa phương lại trúng mùa, được giá.