Trung Đông-châu Phi là thị trường tiềm năng với Việt Nam
VOV.VN - Việt Nam đang thúc đẩy các dự án hợp tác về nhiều lĩnh vực khác với các đối tác Trung Đông – châu Phi như khai khoáng, phân bón…
Phát biểu tại phiên tổng quan hội nghị Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019 diễn ra chiều nay (9/9), ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: “Trung Đông và châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn gồm 55 quốc gia châu Phi và 15 quốc gia Trung Đông, với tổng dân số hơn 1,5 tỉ người. Đây là một khu vực tiềm năng và Việt Nam có thế mạnh để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực”.
Các đại biểu cùng thảo luận tại hội nghị Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019. |
Theo ông Hưng, khu vực Trung Đông – châu Phi đã có tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng theo. Cơ cấu mặt hàng giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi có tính bổ sung cho nhau.
Việt Nam đang xuất khẩu sang khu vực này các mặt hàng như hàng linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, sữa và các sản phẩm từ sữa, sản phẩm nông sản như gạo, tiêu, rau quả…
Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ Trung Đông - châu Phi các mặt hàng như dầu thô, diezel, khí đốt hóa lỏng, phân bón, thức ăn gia súc, nguyên liệu hóa chất, nguyên liệu dệt may, da giày…
Việt Nam coi các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, các chính phủ để cùng tháo gỡ những khó khăn, tìm cách khai thác tốt cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi.
Năm 2018, GDP của Việt Nam đạt 241 tỷ USD, tăng 7,08% so với năm 2017, với tổng giá trị xuất nhập khẩu 480 tỉ USD, tăng 12,2% so với năm trước đó; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 313 tỉ USD, tăng 11,7%...
“Những con số này chứng tỏ được Việt Nam đã đóng góp được vai trò nhất định trong thương mại quốc tế và là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (2000), gia nhập tổ chức Thương mại thế giới – WTO (2006), ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do FTA như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với các quốc gia Trung Đông – châu Phi. Năm 2018, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi đạt 20,5 tỉ USD, tăng 10,2%; Trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 11,7 tỉ USD, nhập khẩu đạt 8,8 tỉ USD.
Về công nghiệp và năng lượng, hai bên đã có nhiều dự án hợp tác tích cực, tiêu biểu như dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, dự án khai thác dầu khí ở Angeria…
Việt Nam hiện cũng đang thúc đẩy các dự án hợp tác về nhiều lĩnh vực khác với các đối tác Trung Đông – châu Phi như khai khoáng, phân bón…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2018, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi-Trung Đông đầu tư vào Việt Nam 147 dự án, với trên 2,9 tỉ USD./. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông, Châu Phi có nhiều khởi sắc