Trừng phạt Nga, các nền kinh tế châu Âu sẽ có tổn thất
VOV.VN -EU và Mỹ đồng loạt công bố tăng cường trừng phạt Nga, nhằm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng.
Cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây đang bước vào một giai đoạn mới, khi Mỹ và Liên minh châu Âu vừa mới công bố các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhằm vào nền kinh tế Nga. Nga ngay lập tức lên án các bước đi của Mỹ và châu Âu.
Liên minh châu Âu và Mỹ đồng loạt công bố tăng cường trừng phạt Nga, với các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của nước này. Đây được xem là hành động mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga, với cáo buộc nước này ủng hộ lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine. Ngay lập tức, Nga cũng bắt đầu có các bước đi đối phó.
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga chắn chắn sẽ khiến giá năng lượng tại châu Âu tăng. Tuyên bố đưa ra nêu rõ, bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của mình, các nước châu Âu đang tự mình đặt ra các rào cản trong việc tăng cường hợp tác với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng như năng lượng. Đây là các bước đi “ không có trách nhiệm” và “không thận trọng” và chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường châu Âu.
Nhằm đối phó với các tác động do biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ hỗ trợ các ngân hàng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Ngân hàng lớn thứ hai của Nga, VTB, thông báo sẽ tìm nguồn tài chính bên ngoài Liên minh châu Âu và Mỹ, sử dụng những tiền tệ khác thay thế đồng euro và USD.
Ngay sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt tăng cường đối với Nga, Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nga Rosselkhoznadzor tuyên bố có thể cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ và một số loại trái cây từ Liên minh châu Âu do có chứa chất độc hại. Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nga cũng sẽ điều tra các nhà cung cấp cho chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s của Mỹ do nghi ngờ sản phẩm có sử dụng chất kháng sinh.
Dù Nga và Mỹ từ lâu đã có tranh chấp quanh vấn đề thương mại nông sản, nhưng động thái này vẫn được coi là một "hành động trả đũa" của Nga. Theo số liệu của Hội đồng xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ, Nga là thị trường lớn thứ 2, sau Mexico, của thịt gà Mỹ.
Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, với mối quan hệ hợp tác kinh tế quan trọng giữa Nga và Liên minh châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, thì các nước châu Âu cũng phải thừa nhận những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế của khối.
Ngoại trưởng Anh Phillipin Hammond nói: “Sẽ có tổn thất đối với nền kinh tế Anh và nền kinh tế của toàn bộ châu Âu. Những gì chúng tôi đưa ra với mục tiêu đó là nhằm làm tổn hại cụ thể đến nền kinh tế Nga, nhưng cũng phải có tác động nhỏ nhất đối với các nền kinh tế châu Âu và có sự công bằng giữa các nền kinh tế lớn của châu Âu. Tuy nhiên, những tổn thất này rõ ràng là thực tế”.
Các doanh nghiệp Đức- một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện cũng lo ngại về những thiệt hại do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Giám đốc điều hành Hiệp hội sản xuất máy móc Đức Hannes Hesse cho biết: “Những doanh nghiệp sản xuất máy móc Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nga là nước xuất khẩu lớn thứ 4 của Đức. Tính đến thời điểm hiện nay chúng tôi đã thiệt hại khoảng 20% so với năm ngoái và tôi dự kiến thiệt hại sẽ còn tăng trong thời gian tới”.
“Trừng phạt” là cụm từ liên tục được các quan chức Mỹ và châu Âu đưa ra trong thời gian gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng rõ ràng nguyên nhân chính cho căng thẳng hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được giải quyết, trong khi những biện pháp trừng phạt do các bên đưa ra không chỉ làm tổn hại đến nền kinh tế Nga, mà còn ảnh hưởng đến chính các nước Liên minh châu Âu và cả nền kinh thế giới cũng phải chịu tác động./.