Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp “chế tạo” sang “trí tạo”
VOV.VN - Ở Trung Quốc, ngành chế tạo được xác định là trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Đó cũng là nguyên do chính phủ nước này thực thi Chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Dù từ giữa năm 2018 đến nay, khái niệm này đã không còn được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc, nhưng việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo thành "trí tạo" (tức chế tạo thông minh) vẫn đang được thúc đẩy ở nhiều địa phương, nhằm hướng tới mục tiêu "cường quốc chế tạo" như kế hoạch "Made in China 2025" đưa ra.
Mặc dù không nằm trong 5 tỉnh thành có chỉ số phát triển chế tạo thông minh hàng đầu Trung Quốc hiện nay gồm: Sơn Đông, Giang Tô, Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang, nhưng tỉnh Hồ Nam ở miền Nam Trung Bộ Trung Quốc vẫn là nơi tập hợp không ít những doanh nghiệp chế tạo đang đi theo hướng số hóa, mạng hóa với đích cuối cùng là sản xuất thông minh.
Công ty công nghiệp nặng Tam Nhất (SANY Heavy Industry Co., Ltd.) là một trong những doanh nghiệp chế tạo máy công trình hàng đầu Trung Quốc.
Khu nhà xưởng sản xuất thông minh của Công ty SANY. |
Ông Đường Kiến Quốc, phụ trách mảng quốc tế của Công ty SANY cho biết, doanh nghiệp này bắt đầu phát triển chế tạo thông minh từ năm 2014 với việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, kết nối thiết bị. Mục tiêu của SANY là đạt mức doanh thu 300 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 43 tỷ USD), trong khi số lượng công nhân không vượt quá 1000 người, đội ngũ làm công tác nghiên cứu phát triển (R&D) và có trình độ chuyên môn lên tới gần 30.000 người. Công ty này cũng là nơi thiết lập một trong những xưởng chế tạo thông minh đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2015 sau khi kế hoạch "Made in China 2025" ra đời.
Không chỉ có các doanh nghiệp chế tạo tự mình phát triển các công nghệ thông minh phục vụ sản xuất, ở Hồ Nam còn có các công ty cung cấp các giải pháp công nghệ giúp các doanh nghiệp chế tạo nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo hướng ngày càng thông minh. Viện nghiên cứu lái xe thông minh CIDI hoạt động theo mô hình doanh nghiệp là một ví dụ.
Tài xế không cần điều khiển vô lăng trên xe buýt tự hành do CIDI nghiên cứu. |
Là một đơn vị áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp giải pháp thông minh cho xe ô tô trọng tải lớn, CIDI dù mới chỉ thành lập được 2 năm, nhưng đến nay giải pháp cho xe tải tự hành đã hướng đến "cấp độ 4" (L4) và xe bus tự hành ở cấp độ 3 (L3) và 4 (trong khi đó cấp độ 5 là mức cao nhất của xe tự hành, tức hoàn toàn không cần người điều khiển và hoạt động được ở mọi nơi, mọi điều kiện). Những ứng dụng này đã được phát triển thương mại trong một số môi trường nhất định, như ở các khu mỏ, những môi trường nguy hiểm hay dọn dẹp vệ sinh.
Mặc dù khu chạy thử xe tự hành mà công ty CIDI được chính quyền địa phương trao quyền sử dụng không phải là khu đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng khu thử nghiệm này có diện tích rộng (1200 mẫu, giai đoạn 2 là 13.000 mẫu), bối cảnh thử nghiệm phong phú. Trong khi tài nguyên thử nghiệm đối với doanh nghiệp là rất quan trọng.
Với start-up này, những điều kiện tốt nhất mà chính quyền địa phương đem lại chính là nền tảng để công ty phát triển mạnh mẽ như vậy chỉ sau 2 năm. Ông Hồ Tư Bác, Nhà khoa học chính của CIDI cho biết, doanh nghiệp hiện là công ty duy nhất cùng đồng thời nghiên cứu cả công nghệ kết nối thông minh giữa phương tiện và hạ tầng IVICS (Intelligent Vehicle Infrastructure Cooperative Systems), cũng như xe tự hành ở Trung Quốc hiện nay.
Có thể thấy, dù không có công ty phát triển xe tự lái hàng đầu thế giới nào đến từ Trung Quốc, nhưng các công ty của nước này lại được hoạt động trong môi trường thuận lợi. Trung Quốc cho phép các chính quyền địa phương quyền cấp phép thử nghiệm xe tự lái trên đường phố, tạo điều kiện "mở" cho cả start-up lẫn những công ty lớn.
Một mô hình người máy và quy trình sản xuất số hóa của ZE. |
Khác với hai DN trên, Công ty thiết bị thông minh Trung Nam, tỉnh Hồ Nam (ZE) lại cung cấp các thiết bị người máy và giải pháp số hóa cho DN. Theo ông Hạ Lễ, Phó TGĐ Công ty, tỉnh Hồ Nam đặc biệt coi trọng chế tạo thông minh, đây là tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra các tiêu chí về chế tạo thông minh với mong muốn trong tương lai trở thành một tỉnh mạnh về chế tạo thông minh.
Đánh giá về trình độ phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo thông minh và người máy, ông cho rằng: "Chúng tôi đang trong quá trình cố gắng bắt kịp các nước lớn trong lĩnh vực chế tạo tiên tiến, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trung Quốc cũng đã có những tích lũy và kinh nghiệm trong một số ngành đặc thù và ứng dụng".
Cũng theo ông Hạ Lễ, mặc dù còn gặp phải nhiều thách thức về nguồn nhân lực, song điều mà các doanh nghiệp của ông có được là bất kể nhà nước, hay chính quyền địa phương đều hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp 4.0, đó có thể là tài nguyên, là thị trường hay chính sách.
Hiện, Trung Quốc có hơn 300 dự án thí điểm chế tạo thông minh trên cả nước. Đầu tư vào ngành chế tạo công nghệ cao cũng tăng rõ rệt trong 9 tháng năm 2019, đạt mức 12,6%, trong khi đầu tư vào ngành chế tạo truyền thống chỉ ở mức 2,5%. Trung Quốc đã hình thành được 4 khu vực chế tạo thông minh với đặc trưng khác nhau, đó là: khu vực quanh Bột Hải, khu vực tam giác Trường Giang, khu vực tam giác Châu Giang và khu vực Tây Trung Bộ.
Chuyển đổi từ “chế tạo” sang “trí tạo”, tức từ sao chép công nghệ sang tự chủ sáng tạo, đặc biệt là để Trung Quốc trở thành "cường quốc chế tạo" cần rất nhiều công nghệ cốt lõi./.
Nhân lực là điểm nghẽn trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo