Trung Quốc tái phân phối của cải giới siêu giàu?

VOV.VN - Có một điều chắc chắn là thu nhập cao quá mức ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong tương lai và người giàu sẽ phải đóng góp nhiều tiền của hơn cho xã hội.

Ngày 17/8 vừa qua, trong cuộc họp đầu tiên sau “kỳ nghỉ Bắc Đới Hà” vốn được coi là thời điểm diễn ra các cuộc họp kín “bàn đại sự” thường niên của giới lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố về việc hướng tới mục tiêu “thịnh vượng chung” trong xã hội Trung Quốc, cùng một cam kết gây chấn động giới nhà giàu nước này khi đề cập đến đến việc phân phối lại tài sản, nhằm “thúc đẩy công bằng chính nghĩa trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, đưa toàn thể người dân vững bước tiến tới mục tiêu thịnh vượng chung.” Vậy phải chăng Trung Quốc đang tính tới việc “tái phân phối của cải giới siêu giàu” sau một thời gian “cho phép một số người làm giàu trước”.

Trung Quốc và khái niệm “thịnh vượng chung”

“Thịnh vượng chung” là một khái niệm trong lĩnh vực kinh tế và cũng là một trong những nội dung quan trọng trong lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay từ những năm 1980, sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra ý tưởng về việc một số khu vực và một số người có thể “làm giàu trước”, sau đó dẫn dắt giúp đỡ các khu vực khác và những người khác từng bước đạt tới “thịnh vượng chung”.

Năm 2012, kể từ sau Đại hội XVIII, xóa đói giảm nghèo và xây dựng xã hội khá giả luôn là những vấn đề ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giờ đây, vấn đề đói nghèo tuyệt đối đã được giải quyết, tạo cơ sở thực tế cho bước tiếp theo trong việc thúc đẩy thịnh vượng chung ở nước này. Tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã ra thông báo về việc thí điểm xây dựng một “Khu kiểu mẫu về thịnh vượng chung” ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông nước này – nơi có tổng giá trị GDP đứng thứ 4/31 ở Trung Quốc, nhưng chênh lệch thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn khá thấp, chỉ ở mức 1,96, thấp hơn nhiều so với mức 2,5 của cả nước.

Kỳ họp lần thứ X của Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương Trung Quốc, tổ chức hôm 17/8 vừa qua dưới sự chủ trì của ông Tập đã đưa ra phác thảo chính sách cho nước này để hướng tới thịnh vượng chung. Ông nhấn mạnh: “Thịnh vượng chung là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội, là đặc trưng quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, cần kiên trì tư tưởng phát triển lấy người dân làm trung tâm và thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong sự phát triển chất lượng cao”.

Ông cho rằng, cần phải “tăng cường quy phạm và điều tiết thu nhập cao, bảo vệ thu nhập hợp pháp theo pháp luật, điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức, khuyến khích nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp quay trở lại báo đáp xã hội nhiều hơn”.

Ông Tập thậm chí còn viện dẫn nhu cầu “thịnh vượng chung” của người dân Trung Quốc là yếu tố then chốt để Đảng duy trì quyền lực và đưa đất nước trở thành một quốc gia phát triển giàu mạnh toàn diện vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Trung Quốc mới, bởi đây chính là một phần quan trọng trong mục tiêu 100 năm lần thứ hai của Trung Quốc.

Cuộc họp kinh tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc được tổ chức vài tháng một lần để quyết định chính sách hôm 17/8 nhấn mạnh: “Thịnh vượng chung là sự thịnh vượng (hay giàu có) cho toàn thể người dân, là sự thịnh vượng cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần của quần chúng nhân dân, chứ không phải sự thịnh vượng của một vài người, cũng không phải bình quân chủ nghĩa đều như nhau và cần thúc đẩy thịnh vượng chung theo từng giai đoạn.”

Trung Quốc sẽ làm gì để đạt tới mục tiêu “thịnh vượng chung”

Nguyên nhân chính khiến Trung Quốc phải thực hiện “thịnh vượng chung” là bởi khoảng cách giàu nghèo ở nước này đang ngày càng lớn, dẫn đến những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc.

Báo cáo Nghiên cứu Chỉ số Tài sản hộ gia đình Trung Quốc cho thấy, trong quý 1 năm nay, hơn 50% tài sản tài chính hoặc tài sản hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 50.000 NDT trở xuống (7.710 USD) giảm. Trong khi đó, 19% hộ gia đình có tài sản tài chính hơn 3 triệu NDT hay 32,4% hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 1 triệu NDT trở lên lại tăng thêm.

Ngay từ tháng 10/2019, khảo sát của Cục Điều tra Thống kê Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng Trung ương) đã đưa ra những số liệu “gây sốc”: Tài sản thuộc sở hữu của 10% gia đình giàu nhất Trung Quốc chiếm 47,5% tổng tài sản toàn xã hội. Tài sản của 20% hộ gia đình giàu nhất chiếm 63% tổng tài sản toàn xã hội. Trong khi đó, tài sản của 20% hộ gia đình xếp cuối cùng chỉ chiếm 2,6%.

Trước thực trạng đó, theo tinh thần của kỳ họp lần này, để đạt tới sự thịnh vượng chung, Trung Quốc cần thiết lập một chế độ mang tính nền tảng đảm bảo sự “hài hòa đồng bộ giữa phân phối lần đầu, tái phân phối và phân phối lần ba, tăng cường mức độ điều tiết và nâng cao độ chính xác về thuế, an sinh xã hội, chuyển dịch chi trả, mở rộng tỷ trọng nhóm thu nhập trung bình, nâng cao thu nhập nhóm thu nhập thấp, điều tiết hợp lý thu nhập cao, xóa bỏ thu nhập bất hợp pháp, hình thành cơ cấu phân phối hình quả trám với phần giữa lớn và hai đầu nhỏ.”

Trong đó, “phân phối lần đầu” là vòng phân phối của cải đầu tiên, tức là sự phân phối được thực hiện theo nguyên tắc hiệu suất thị trường, làm nhiều hưởng nhiều. Phần này chủ yếu là của cải từ tiền lương, thu nhập..., là bước đầu tiên trong quá trình phân phối của cải. “Tái phân phối” dựa trên cơ sở phân phối lần đầu, chính phủ thực hiện phân phối lại thông qua thuế và an sinh xã hội theo nguyên tắc công bằng và hiệu suất, trong đó chú trọng nguyên tắc công bằng.

“Phân phối lần ba” không giống như hai lần đầu với chủ thể là thị trường và chính phủ, mà chủ thể của lần phân phối thứ ba chủ yếu là “cá nhân tự nguyện”, việc phân phối được thực hiện thông qua các cá nhân hoặc tổ chức. Hiểu một cách đơn giản, chủ thể và các yếu tố làm nên ba lần phân phối này là thị trường, chính phủ và đạo đức.

Với việc nhấn mạnh “phân phối lần ba” trong thu nhập, chính phủ Trung Quốc được dự báo là sẽ khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp đóng góp lại cho xã hội dưới hình thức quyên góp từ thiện, thúc đẩy phân phối lại thu nhập.

Ngay sau khi các tuyên bố của ông Tập được đưa ra, tờ “Nhật báo Kinh tế” của nước này đã đăng trên trang nhất bài viết về việc điều tiết thu nhập của nhóm người có thu nhập cao của các chuyên gia hàng đầu ở Đại học Chiết Giang.

Theo đó, các tác giả kiến nghị, để hoàn thiện hơn nữa chính sách phân phối thu nhập cho nhóm thu nhập cao, nên đánh thuế tài sản (như thuế bất động sản, thuế quà tặng thừa kế…) vào thời điểm thích hợp; hạn chế thu nhập bất hợp lý và thiết lập kiện toàn cơ chế khuyến khích báo đáp xã hội.

Cũng tờ báo hàng đầu về kinh tế của Trung Quốc này đã có bài bình luận cho rằng, sự giám sát mạnh mẽ trong lĩnh vực Internet vừa là “cơn đau”, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp. Các công ty Internet và công nghệ cần thoát khỏi cuộc cạnh tranh của lưu lượng truy cập, tích cực tìm kiếm các phương thức phát triển mới, không ngừng nâng cao năng lực sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), chủ động gánh vác nhiều hơn trách nhiệm xã hội, để thúc đẩy sự sáng tạo trong việc tạo ra các giá trị xã hội bền vững.

Hành động của doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục có những hành động nhằm điều tiết thu nhập cao bất hợp lý, chẳng hạn như chấn chỉnh vấn đề cát xê cao ngất ngưởng và trốn thuế trong ngành giải trí.

Hay như từ cuối năm ngoái Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đến nay, hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực Internet, như Tencent, Meituan, Didi, Baidu cũng bị cuốn vào “cơn bão táp giám sát”. Bên cạnh chống độc quyền, an ninh mạng, ngăn chặn tình trạng mở rộng vốn mất trật tự cũng là những lý do được đưa ra khi các doanh nghiệp này bị chính quyền “sờ gáy”.

Theo ông Vương Quân, kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Nguyên Trung Quốc: “Những hành động này thuộc phạm trù quy chuẩn thu nhập bất hợp lý. Không phải thu nhập cao là không được phép, nhưng phải tuân theo  quy tắc và cơ chế”.

Trong một phản ứng được cho là “tức thì”, chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Trung Quốc vạch ra khuôn khổ chính sách nhằm thúc đẩy thịnh vượng chung, gã khổng lồ công nghệ Tencent hôm 18/8 tuyên bố, sẽ đầu tư 50 tỷ NDT (7,71 tỷ USD) khởi động “Chương trình chuyên biệt vì sự thịnh vượng chung”.

Đây là khoản 50 tỷ nhân dân tệ thứ hai do Tencent triển khai cho các sự nghiệp công ích trong vòng 4 tháng. Trước đó, Tencent đã đầu tư 50 tỷ vào giai đoạn đầu của chiến lược mới “Sáng tạo giá trị xã hội bền vững”, nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội thông qua công nghệ và kinh doanh.

Một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, khu vực thí điểm thịnh vượng chung, cũng cam kết cung cấp 150 tỷ NDT trong vòng 5 năm cho các doanh nghiệp địa phương, để hỗ trợ sáng tạo khoa học, thúc đẩy nâng cấp đô thị, phục vụ trấn hưng nông thôn, phát triển tài năng..., nhằm chung tay thúc đẩy “xây dựng khu thí điểm tiên phong về thịnh vượng chung”.

Trong Báo cáo Trách nhiệm xã hội mới nhất công bố ngày 5/8, Alibaba cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy trấn hưng nông thôn, thịnh vượng chung và bền vững xanh sẽ là cốt lõi của hoạt động công ích và trách nhiệm xã hội của mình thời gian tới.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nước này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử “để một số người giàu lên trước”, do vậy trọng tâm giai đoạn tiếp theo là điều tiết của cải xã hội thông qua cơ chế phân phối thu nhập. Theo họ, đã đến lúc các doanh nghiệp có thu nhập cao ở nước này phải trả lại lợi nhuận cho xã hội vì họ đã được hưởng lợi từ “cổ tức kinh tế” của Trung Quốc.

Cũng theo các nhà phân tích, thúc đẩy thịnh vượng chung và tăng thu nhập của người dân còn giúp thúc đẩy tiêu dùng, vốn đã vượt qua đầu tư và xuất khẩu, trở thành động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, phục vụ “đại tuần hoàn trong nước” – 1 trong 2 nội dung chính của chiến lược “Tuần hoàn kép” đang được nước này thực hiện, để tự bảo vệ tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

“Những động thái tương tự từ các công ty công nghệ khác có thể được mong đợi trong tương lai. Các công ty Internet nằm trong số những người ‘làm giàu trước’ và bây giờ đã đến lúc phải trả lại lợi ích cho xã hội", ông Hồ Kỳ Mục, nghiên cứu viên trưởng của Viện nghiên cứu Kinh tế Sinosteel cho biết khi đề cập đến động thái đầu tư cho thịnh vượng chung của Tencent.

Có người cho rằng, việc thí điểm xây dựng khu thịnh vượng chung ở Chiết Giang là một cuộc “cách mạng xã hội” có ý nghĩa “không kém gì quyết định xây đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến mà ông Đặng đưa ra” vào thời kỳ đầu cải cách mở cửa ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, liệu sự can thiệp của chính phủ nhằm phân phối lại của cải giới siêu giàu có phải là động thái Trung Quốc “lấy của người giàu cứu giúp người nghèo”? Liệu việc “sử dụng sức mạnh của các quy định” có tác động tiêu cực đến các mô hình kinh doanh và năng lực tài chính của khu vực năng động nhất nền kinh tế - khu vực tư nhân, khiến các cá nhân và doanh nghiệp không còn mấy tích cực trong việc làm giàu và trở nên lo lắng? Hay Trung Quốc sẽ thành công trong việc giải quyết các bất bình đẳng xã hội và kinh tế khi theo đuổi sự thịnh vượng chung? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước. Nhưng có một điều có thể dự đoán, đó là thu nhập cao quá mức ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong tương lai và người giàu sẽ phải đóng góp nhiều tiền của hơn cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc lần đầu tiên có doanh nhân lọt top 10 người giàu nhất thế giới
Trung Quốc lần đầu tiên có doanh nhân lọt top 10 người giàu nhất thế giới

VOV.VN - Theo danh sách những người giàu nhất thế giới 2021 vừa công bố hôm nay (2/3) ở Trung Quốc, ông chủ một hãng nước đóng chai của nước này đã trở thành người giàu nhất châu Á và lần đầu tiên lọt vào tốp 10 người giàu nhất thế giới.

Trung Quốc lần đầu tiên có doanh nhân lọt top 10 người giàu nhất thế giới

Trung Quốc lần đầu tiên có doanh nhân lọt top 10 người giàu nhất thế giới

VOV.VN - Theo danh sách những người giàu nhất thế giới 2021 vừa công bố hôm nay (2/3) ở Trung Quốc, ông chủ một hãng nước đóng chai của nước này đã trở thành người giàu nhất châu Á và lần đầu tiên lọt vào tốp 10 người giàu nhất thế giới.

Vượt Ấn Độ, tỷ phú Trung Quốc soán ngôi người giàu nhất châu Á
Vượt Ấn Độ, tỷ phú Trung Quốc soán ngôi người giàu nhất châu Á

VOV.VN - Ông chủ công ty nước đóng chai của Trung Quốc Zhong Shanshan vừa vượt qua tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á hiện nay.

Vượt Ấn Độ, tỷ phú Trung Quốc soán ngôi người giàu nhất châu Á

Vượt Ấn Độ, tỷ phú Trung Quốc soán ngôi người giàu nhất châu Á

VOV.VN - Ông chủ công ty nước đóng chai của Trung Quốc Zhong Shanshan vừa vượt qua tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á hiện nay.

Người phụ nữ duy nhất có tên trong top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là ai?
Người phụ nữ duy nhất có tên trong top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là ai?

VOV.VN - "Đại gia" bất động sản Yang Huiyan là người phụ nữ duy nhất lọt top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Forbes bình chọn.

Người phụ nữ duy nhất có tên trong top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là ai?

Người phụ nữ duy nhất có tên trong top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là ai?

VOV.VN - "Đại gia" bất động sản Yang Huiyan là người phụ nữ duy nhất lọt top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Forbes bình chọn.

Forbes công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc
Forbes công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc

VOV.VN - Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc 2020. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập của Tập đoàn Alibaba, tiếp tục giữ vị trí đầu bảng năm thứ 3 liên tiếp.

Forbes công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc

Forbes công bố bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc

VOV.VN - Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc 2020. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập của Tập đoàn Alibaba, tiếp tục giữ vị trí đầu bảng năm thứ 3 liên tiếp.

Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc
Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc

VOV.VN - Với triết lý kinh doanh "khác người", tỉ phú Zhong Shanshan - ông chủ công ty nước đóng chai Nongfu Spring - vừa trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc

Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc

VOV.VN - Với triết lý kinh doanh "khác người", tỉ phú Zhong Shanshan - ông chủ công ty nước đóng chai Nongfu Spring - vừa trở thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đổi chủ
Ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đổi chủ

VOV.VN - Theo số liệu mới nhất từ Forbes, Jack Ma vừa bị mất ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc.

Ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đổi chủ

Ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đổi chủ

VOV.VN - Theo số liệu mới nhất từ Forbes, Jack Ma vừa bị mất ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc.