TS Trần Du Lịch: Không có FDI tốt nếu không chủ động tìm
(VOV) -Theo TS Trần Du Lịch, Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trong thu hút FDI, nhưng lại chưa chủ động trong thu hút nguồn đầu tư.
Tổng kết 25 năm thu hút FDI vào Việt Nam, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân nhiều yếu kém, sụt giảm dòng vốn này thời gian qua có phần do sự thiếu chủ động trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, đưa ra và tuân thủ đúng các cam kết với nhà đầu tư, lựa chọn những dự án đầu tư có chất lượng.
Còn bị động
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 25 thu hút FDI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả nhất dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ Việt Nam xác định đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển, góp phần khai thác các nguồn lực trong nước, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để CNH, HĐH đất nước.
Việt Nam còn bị động trong thu thút FDI (Ảnh: TCCN) |
TS Trần Du Lịch cho rằng, đánh giá chung trên tương quan nhiều mặt, Việt Nam vẫn còn thế mạnh thu hút FDI, vì có môi trường chính trị ổn định và sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, phải nhìn rõ vào kết quả tổng hợp của FDI những năm qua còn chưa cao. Nguyên nhân lớn nhất, là “chúng ta thu hút FDI thụ động. Không có dòng FDI tốt nếu nước chủ nhà không chủ động đi tìm nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư. Phải chuyển từ bị động, ngồi chờ, sang chủ động tìm kiếm”- TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng lấy ví dụ cho biết thêm: Việt Nam đang có cơ hội tốt để tranh thủ thu hút FDI từ Nhật Bản. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư cũng cần phải cụ thể. Chẳng hạn, mời đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhưng phải nói rõ được với họ ưu đãi ở đâu, điều kiện thế nào, lâu nay vẫn nói chung chung. Ông Hưng còn lưu ý tránh làm theo kiểu phong trào. Bởi ông Hưng từng chứng kiến nhiều đoàn cán bộ từ các địa phương nước ta đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, nhưng làm rất rùm beng, có thể đến mấy chục người sang. Nhưng “đến đọc một vài phát biểu chung chung kể về cảnh đẹp tỉnh mình với chỗ nọ chỗ kia, rồi đi vào chính sách không cụ thể. Như vậy, chúng ta sẽ không có những hiệu quả thiết thực”.
Muốn thu hút FDI hiệu quả, phải chủ động, cụ thể
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đề nghị: Nên bàn đến việc xúc tiến đầu tư mang tính chất liên kết vùng. Cần chắt lọc những cái cần làm, rồi tổ chức giới thiệu về liên vùng định làm như thế nào, đầu tư gì thì kêu gọi vào chắc chắn hiệu quả sẽ rất tốt. Bên cạnh đó, ví dụ với thị trường Nhật Bản, khi đi kêu gọi đầu tư cần chuẩn bị tốt các văn bản bằng tiếng Nhật, và nên xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Dương Anh Điền, cũng cho rằng, nếu chỉ coi DN FDI cần đầu tư gì thì đến không thì thôi, như 25 năm qua, sẽ rất khó thu hút FDI. "Chúng ta phải chủ động tạo ra môi trường, điều kiện, nguồn nhân lực để có được sức mạnh nội lực thu hút FDI. Thu hút FDI hiệu quả chính là sự gặp nhau về lợi ích của Việt Nam và nhà đầu tư"- ông Điền cho biết.
Nhấn mạnh yêu cầu phải chọn lọc dự án và nhà đầu tư, TS Trần Du Lịch cho rằng “phải kiên quyết chọn lọc các dự án, đối tác đầu tư theo từng lĩnh vực thật kỹ. Đây là sự ích kỷ cần thiết, vì nó chủ động tạo dòng đầu tư mới, các dự án FDI công nghệ cao, để sớm chuyển từ một nền công nghiệp gia công sang sản xuất. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không có FDI tốt nếu không chủ động.
Về cấp giấy phép đầu tư, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết, cấp giấy chứng nhận đầu tư của chúng ta thường không đúng hạn, trong đó có nguyên nhân là ý kiến hỏi thẩm tra mà các Bộ trả lời là quá thời hạn quy định 15 ngày, và ý kiến của các Bộ thường chung chung. “Tôi đề nghị sau 15 ngày nếu như các Bộ, ngành không trả lời thì chúng tôi vẫn cấp phép bình thường”- ông Hà nhấn mạnh.
Trưởng Tiểu ban công nghiệp hỗ trợ trong sáng kiến chung VN – NB thực hiện từ 2003, ông Kyoshiro Ichikawa, đề nghị: Việt Nam cần có chính sách phát triển những ngành, sản phẩm cụ thể, kèm theo các chính sách ưu đãi tương ứng phù hợp. Qua đó các doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, có thể căn cứ vào điều kiện của mình và các điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh để ra quyết định đầu tư.
Thêm nữa, theo ông Kyoshiro Ichikawa, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách kêu gọi nhiều hơn vào công nghiệp hỗ trợ, nhưng “cần có sự quan tâm nhiều hơn tới các nhà đầu tư, nhất là sau khi cấp phép, không phải cấp phép xong thì thôi. Phải quan tâm hỗ trợ gỡ khó khăn khi họ gặp phải. Đó là một mấu chốt quan trọng”. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực hiện chưa đồng đều, còn khác nhau giữa các tỉnh, cơ quan... “Tôi đề nghị Việt Nam cần đảm bảo thống nhất trong thực hiện các chính sách này để trong cùng bối cảnh thì thực hiện pháp luật như nhau”…
Hơn nữa, “ngoài các chính sách ưu đãi, cần có cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nguyên liệu, năng lượng (điện, vận chuyển hàng hóa) đảm bảo thuận lợi đầy đủ, và đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư… sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn”- ông Kyoshiro Ichikawa cho biết./.