TS. Trương Văn Phước: Tăng trưởng tín dụng năm 2016 ước 18%
VOV.VN -Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2016, thị trường tài chính Việt Nam tích cực, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có thể đạt 18%.
Theo đánh giá về “Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2016” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) thực hiện, thị trường tài chính nước ta trong vài năm trở lại đây có nhiều gam màu sáng và năm 2016 biểu hiện xu hướng tích cực, hỗ trợ tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường tài chính phát triển tích cực
Phân tích cụ thể, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, cho biết: Tổng tài sản các định chế tài chính năm 2016 đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng (khoảng 188% GDP) tăng 13% so với cuối năm 2015. Tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm 96% tổng tài sản của hệ thống.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia |
Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối năm 2015, trong đó dư nợ cho vay từ tổ chức tín dụng 62,5%; cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán 37,5%.
Cùng với đó là khả năng sinh lời cũng được cải thiện, như: Tỉ lệ sinh lời trên tài sản ở đa số các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng đều tích cực, chẳng hạn mức sinh lời năm ngoái là 0,49% thì năm nay ước đạt là 0,60%. Còn tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thì năm ngoái là 5,98%, năm nay ước đạt 7,63%.
Đánh giá về thị trường tài chính, NFSC cho hay, khu vực thị trường tiền tệ thì chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý, lãi suất cho vay bình quân đạt khoảng 8,5%(tháng 12/2015 là 8,4%), lãi suất huy động khoảng 5% (tháng 12/2015 là 4,5%).
Thị trường ngoại hối thì nguồn cung ngoại tệ hỗ trợ tích cực với thặng dư cán cân thương mại, nguồn vốn FDI, ODA giải ngân tăng. Đồng thời, tỷ giá trung tâm dự kiến tăng dưới 1% nhưng dự trữ ngoại hối tăng cao. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định tạo điều kiện giúp Ngân hàng Nhà nước bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 40 tỷ USD.
Thị trường vốn cũng cùng chung tín hiệu tích cực, với thị trường trái phiếu đã hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ cả năm; thị trường cổ phiếu đạt vốn hóa 38% GDP (năm 2015 chỉ 32,4% GDP); giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tăng 22% so với cuối năm 2015.
Tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao, thanh khoản ổn định
Đối với thị trường ngân hàng, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, cho biết, theo dự báo của NFSC, tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt khoảng 18%. Cụ thể, cơ cấu tín dụng theo loại tiền, kỳ hạn và ngành nghề kinh tế ít thay đổi. Tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 12,5% (năm 2015 tăng 28,3%), chiếm 8,4% tổng tín dụng (năm 2015 chiếm 8,8%). Tín dụng tiêu dùng tăng khoảng 39%, chiếm 11,4% tổng tín dụng, trong đó đáng chú ý là tới 50% tín dụng tiêu dung là cho vay sửa chữa, mua nhà để ở.
Về chất lượng tín dụng, khối lượng nợ xấu vẫn lớn, bao gồm: tỷ lệ nợ xấu báo cáo là 2,8%; nợ xấu bán cho VAMC khoảng 4,4% tổng tín dụng. Xử lý nợ xấu năm 2016 ước khoảng 95 nghìn tỷ đồng, trong đó bán nợ cho VAMC 21%; xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%; thu hồi nợ từ khách hàng và bán tài sản bảo đảm chiếm 52,4%.
Nhìn chung, khu vực ngân hàng, ông Phước cho biết, năm nay huy động vốn ước đạt tăng khoảng 19%, thanh khoản ổn định. Về cơ cấu tài sản thì cơ cấu tài sản nợ bền vững (vốn huy động chiếm 76%, vốn chủ sở hữu 6,6%); cơ cấu tài sản có chuyển dịch theo hướng tích cực (dự nợ chiếm 58%, đầu tư tài chính chiếm 18,7%...).
Về khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng, ông Phước đánh giá là có cải thiện, triển vọng khả quan. Cụ thể, 5 năm trở lại đây lợi nhuận, cổ tức của ngân hàng xuống thấp chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro cao cho những khoản nợ xấu cũ. Tuy nhiên, trong 5 năm, các ngân hàng cũng đã trích lập tương đối nhiều, và trích lập đó đã tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn. Kết quả là năm nay lợi nhuận chung của ngân hàng bật tăng trở lại, tăng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng dù đã phải trừ đi 70.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Do đó, “thời gian tới hoàn toàn có thể hy vọng vào một bức tranh lợi nhuận sáng sủa hơn của các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần sử dụng những nguồn lực tài chính tổng hợp nhà nước để xử lý một vấn đề tồn đọng rất lớn đó là nợ xấu”- ông Phước lưu ý./.