Từ nghề vá lưới thuê thành ông chủ doanh nghiệp thủy sản "tầm cỡ" ở Đà Nẵng
VOV.VN - Có “của ăn của để”, những năm qua ông Nguyễn Văn Chín luôn dành khoảng 1 tỷ đồng để làm công tác từ thiện, trao hàng ngàn suất quà tặng người nghèo.
Đã xấp xỉ tuổi 70, nhưng ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu, ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vẫn quán xuyến mọi việc kinh doanh của gia đình với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Công ty TNHH Bắc Đẩu chuyên sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, bản thân ông Chín đã đóng góp gần 1 tỷ đồng thực hiện công tác từ thiện xã hội.
Cuộc đời ông Nguyễn Văn Chín gắn với lưới cá, biển khơi từ rất sớm. Không đủ điều kiện ăn học lại thêm ảnh hưởng chiến tranh, ông Chín rời quê hương vùng cát Hoà Hải Ngũ Hành Sơn lên Thọ Quang, Sơn Trà vá lưới thuê và theo tàu cá ra khơi kiếm sống. Cứ ngỡ cuộc đời mãi gắn với nghề đi bạn.
Thế rồi, từ tiền tích cóp sau không biết bao nhiêu chuyến biển, ông Chín đóng được riêng cho mình chiếc ghe đầu tiên công xuất 22 mã lực. Vài năm sau, những chuyến đi biển tiếp tục trúng lớn, ông sắm thêm tàu mới có công suất lớn hơn. Từ chỗ đi biển về bán cá ở chợ, ông Chín chuyển sang thu mua, cung cấp hải sản cho một số nhà máy, xí nghiệp chế biến tại địa phương.
Năm 1989, ông Nguyễn Văn Chín hợp tác với các đối tác làm ăn ở Nhật Bản chuyên về đánh bắt và chế biến thuỷ sản. Từ đó mỗi ngày, ông cung cấp cho đối tác 5 - 10 tấn cá cơm mờm. “Đó là trải nghiệm đầu tiên trong hợp tác làm ăn với người nước ngoài và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào nghề truyền thống”, ông Chín cho biết.
Năm 2000, có trong tay 2 tàu lớn và 6 tàu nhỏ, được Nhà nước cho vay tín chấp, ông Chín đóng đôi tàu xa bờ gần 3,5 tỷ đồng. Đến năm 2003, ông đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến thủy sản, rộng 4.000m2 tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang tập trung sản xuất mặt hàng chả cá và thành lập Công ty TNHH Bắc Đẩu. Trải qua đợt dịch bệnh Covid-19 vừa rồi, các phân xưởng của công ty vẫn liên tục vận hành.
“Từ năm 2016 đến nay, nhà máy phát triển rất lớn. Dịch Covid-19 vừa rồi nhà máy luôn sẵn sàng có sản phẩm, công nhân có việc làm không bị gián đoạn, đảm bảo mức thu nhập thường xuyên. Mình lớn tuổi nhưng khi hướng dẫn người công nhân nghe và làm theo là điều quý nhất. Mọi người luôn sát cánh với nhau làm ra sản phẩm chất lượng, đưa doanh nghiệp phát triển đi theo chiều hướng của ngành thủy sản, tạo được uy tín thương trường”, ông Chín cho biết.
Năm 2012, một doanh nghiệp thủy sản của Nhật Bản đã khảo sát và chọn Công ty TNHH Bắc Đẩu chuyển giao dây chuyền sản xuất surimi hiện đại với trị giá 15 tỷ đồng. Từ đây, công ty đã bắt đầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…, góp phần gia tăng doanh thu từ xuất khẩu.
Hiện nay, Công ty TNHH Bắc Đẩu giải quyết việc làm cho 500 công nhân lao động ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, với mức lương từ 5 - 12 triệu đồng người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Phương, quê tỉnh Quảng Trị, công nhân Công ty TNHH Bắc Đẩu, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã làm việc ở công ty được 9 năm cho biết, Công ty luôn tạo điều kiện cho mọi người có công việc thuận lợi, lương ổn định. “Năm nay dịch bệnh nhưng Công ty vẫn hoạt động bình thường, Giám đốc trả lương đầy đủ. Nhiều công ty khác không có việc làm mà công ty này có việc làm như vậy công nhân ai cũng vui”, chị Phương chia sẻ.
Có “của ăn của để”, những năm qua ông Nguyễn Văn Chín luôn dành khoảng 1 tỷ đồng để làm công tác từ thiện, trao hàng ngàn suất quà tặng người nghèo. Hàng tháng, ông Chín còn trợ giúp gạo ăn cho 10 công nhân nghèo.
Bà Phan Thị Hường, làm việc tại phân xưởng sơ chế, Công ty TNHH Bắc Đậu cảm kích trước nghĩa của của người đứng đầu doanh nghiệp cho biết, làm và gắn bó với công ty đã nhiều năm, nhận thấy Ban lãnh đạo công ty luôn chăm lo cho người lao động làm việc để họ có thu nhập cao.
“Mặc dù vừa qua trải qua 2 đợt dịch Covid-19, nhưng công ty luôn đảm bảo cho người lao động có việc làm, có thu nhập, người cao nhất 12 triệu đồng, người thấp nhất từ 5 - 7 triệu đồng. Có việc làm và thu nhập ổn định, người lao động ai cũng cố gắng chịu khó làm tốt”, chị Hường nói.
Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 63.000 người cao tuổi, từ 60 - 80 tuổi tham gia các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Hàng năm có trên 1.000 người cao tuổi được vinh danh danh hiệu “Người cao tuổi sản xuất giỏi”.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Đà Nẵng cho biết, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu, ở quận Sơn Trà là một trong nhiều tấm gương người cao tuổi của thành phố, vừa làm kinh tế giỏi vừa tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nghèo ở các địa phương có mức thu nhập ổn định.
“Ông Chín là một trong những người cao tuổi nêu gương sáng làm kinh tế giỏi vươn lên làm giàu một cách rất chính đáng. Doanh nghiệp của ông có những chính sách riêng hỗ trợ cho những công nhân nghèo. Trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi, nhiều người trở thành những nhà doanh nghiệp, sản xuất giỏi, vừa đóng góp cho an sinh xã hội của thành phố, tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, những người khó khăn”, ông Tánh nêu rõ./.